Chuyện là cách đây vài hôm mình gặp một ác mộng khiến mình có quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc hướng tới một tương lai không đồng nát. Trong giấc mơ mình đang ngồi ở giữa phòng khách sau một chuyến đi chơi, bên cạnh là một vali carry on nhét đầy quần áo. Thế rồi quay đi quay lại thấy quần áo tự chui ra khỏi vali xong nhân đôi lên. Rồi quần áo trong tủ cũng chui ra ngoài. Và cứ thế nhân lên nhân lên, chồng lên nhau, ngập kín phòng. Còn mình thì ngồi khóc giữa núi quần áo.
Mình là một người rất ‘đồng nát’, nói như vậy không quá một tí nào. Nếu bạn biết một người nào đó luôn cảm thấy khó bỏ đồ đi vì những kỉ niệm, những cảm xúc, thì đó chính là mình. Nếu bạn biết kiểu người mua đồ hay mua theo số lượng nhiều hơn cần thiết, đó chính là mình. Cách đây vài năm mình đọc cuốn The life-changing magic of tidying up của Marie Kondo và từ đó cũng đã bớt đồng nát đi nhiều, ví dụ như mình đã bán đi rất nhiều quần áo giầy dép mình ít dùng đến, định kỳ mình soạn quần áo gửi về quê hoặc ủng hộ từ thiện, bớt mua mỹ phẩm theo kiểu mua dư một vài lọ để dùng trong trường hợp sau này hết mà không mua được, sách mình cũng cho bớt, hoặc bắt đầu đọc lại trên kindle nhiều hơn. Tuy nhiên đến tận bây giờ mình vẫn có những lúc stress như không đủ mắc áo và chỗ trong tủ để treo thêm quần áo mỗi khi giao mùa. Rồi mỗi lần muốn tìm một ảnh nào đó trong điện thoại là kéo mãi kéo mãi chưa tới ảnh mình cần. Rồi Google drive lúc nào cũng trong tình trạng sắp hết dung lượng (trời ơi 15GB đó!). Kiểu vậy ý. Có những thứ mình giữ lại mà đến sau đó một năm cũng không sờ đến, ví dụ như mình vẫn còn giữa một vài cuốn giáo trình từ hồi học đại học vì mình nghĩ có lúc sẽ muốn xem lại (trời ơi tui đã tốt nghiệp hơn 4 năm rồi), mình đã nghỉ lại gần 1 năm nhưng vẫn còn giữa tất cả sổ viết từ hồi đi làm (vẫn để nguyên trong thùng các tông đồ đạc mình bê từ công ty về vào ngày làm việc cuối cùng)… Việc tích trữ có lẽ xuất phát từ những lí do sau:
Tâm lý tiếc của, nghĩ sau này sẽ cần dùng đến. Cái này cũng không hoàn toàn sai, có những thứ đúng là sau này vẫn dùng đến thật. Ví dụ như cách đây vài tháng một chị làm việc trên văn phòng khoa của chương trình mình theo học ở bậc đại học có nhắn tin cho mình nhờ tìm bộ slide của một môn mình học hồi năm 3 đại học =)) Nhưng những trường hợp này thực sự là rất hiếm.
- Cảm thấy không nỡ bỏ đi vì có kỉ niệm/cảm xúc với món đồ đó.
Làm thế nào để vượt qua tâm lý trên, thì mình khuyên các bạn hãy tìm đọc tuyển The life-changing magic of tidying up hoặc bản tiếng Việt là Nghệ thuật bài trí của người Nhật (không hiểu sao dịch tên thế này, mà bìa cũng không được đẹp lắm) cơ mà sách thực sự viết rất hay và sẽ truyền được cảm hứng cho các bạn vứt bớt một nửa số đồ đang có trong nhà.
Vậy nên trong tháng 1, trước Tết âm, mình sẽ thực hiện công cuộc giảm sự đồng nát của mình như sau:
Điện thoại:
- Xoá những app không dùng tới
- Xoá những ảnh không cần thiết (ví dụ ảnh chụp hoá đơn cũ, những ảnh lặp lại, các screen shot ko cần thiết, etc.)
- Gmail:
- Lọc lại các loại subscription và unsubscribe tất cả những trang mình không còn quan tâm (có thể ngày xưa mình quan tâm)
- Unsubscribe những trang kích thích mua sắm
- Dọn hòm mail mỗi tuần
- Dọn Google drive: Xoá những folder ảnh không cần thiết (bỏ lên mediafire lưu trữ)
- Quần áo + giầy dép:
- Không mua thêm quần áo giầy dép mới vì thực ra mình cũng quá đủ đồ để dùng rồi
- Mặc quần áo đa dạng hơn – đến cuối tháng nếu có món nào của mùa này mà mình chưa mặc lần nào thì sẽ đăng bán/cho
- Những món nào mặc chật thì đăng bán/cho –> Mình từng nuôi mộng sẽ có lúc mình gầy đi để có thể mặc vừa, mặc đẹp những món mình đang không ních vào được, tuy nhiên thực tế đã chứng minh là đến 95% mình sẽ không gầy hơn mình của thời điểm hiện tại.
- Mỹ phẩm: Dùng hết những gì đang có trước khi mua thêm. Dán label ngày mở nắp mỹ phẩm (mặt nạ, kem dưỡng, etc.) để tính ngày hết hạn. Trên bao bì mỹ phẩm thường sẽ viết hạn sử dụng, tuy nhiên còn có một ký hiệu nữa về HSD thực tế, đó là hình cái hộp với ký hiệu về số tháng có thể sử dụng sau khi mở sản phẩm, thường sẽ là 6M, 12M, etc. Nhìn ngày trên label để tích cực sử dụng trước khi hết hạn và vứt đi một cách không thương tiếc khi đã hết hạn.
- Sách:
- Bán/cho bớt sách giấy mình đã đọc
- Xoá những cuốn không đọc trong Kindle
- Không mua sách mới
Đầu năm khởi động nhẹ nhàng vậy thôi. Mình không phải là người theo chủ nghĩa tối giản (riêng chuyện mình nuôi chó đã không phải là tối giản rồi :)) ), nhưng mình tin rằng cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn nếu bạn sống đơn giản hơn và loại bỏ những thứ không cần thiết đang làm gánh nặng cho bạn. Có những người dọn nhà một cách rất ‘cách mạng’, ví dụ như chị bạn mình hồi trước thực hiện 30-day challenge bằng cách mỗi ngày chị ý vứt/cho vài món đồ với số lượng tương ứng với số thứ tự của ngày trong challenge: ngày đầu vứt 1 món đồ, ngày thứ 2 vứt 2 món đồ, ngày thứ 3 vứt 3 món đồ, … ngày 30 sẽ vứt 30 món đồ. Đây cũng là một cách hay cơ mà tại thời điểm hiện tại mình thấy bản thân chưa làm được như thế, thì thôi dần dần dọn dẹp lại đống lộn xộn hiện tại đã (để không còn mơ những giấc mơ quần áo nhân lên đầy phòng) rồi một lúc nào đó cảm thấy cần thực hiện cuộc cách mạng đồng nát thì mình sẽ thực hiện sau :”>
Tạm thời vậy đã. Mình đi dọn email đây. Happy cleaning!
Em cũng là 1 đứa siêu đồng nát, đồ giữ lại toàn kiểu 1 là kỷ niệm 2 là với tâm lý một ngày nào đó dùng được 😂 Từ ngày đọc quyển sách của Marie Kondo thì cũng đỡ được chút chút =))
Em thấy khá là nhẹ nhàng thoải mái đặc biệt là cho sinh viên như em 😂
LikeLike
Uh chị nhớ hồi mới bắt đầu học đại học rõ ràng chị chỉ đem có một vali đồ theo, thế mà hết năm nhất đại hoc chuyển nhà trọ là chị phải đóng thêm không biết bao nhiêu thùng đồ :)) Mỗi lần chuyển nhà vất vả phết. Mỗi mùa dọn tủ quần áo cũng mệt, mà thỉnh thoảng cần tìm gì cũng khó ý. Hồi sinh viên chị cũng biết nghĩ như em thì có lẽ đã đỡ nhiều huhu
LikeLike