2023.09.07 – 30 tuổi học tiếng Trung có gì vui

Thực ra là sắp tròn 31. Mặc dù ngắc ngoải với các bài đọc trong sách và cả sách bài tập của HSK 5, tra từ mới đến hoa mắt chóng mặt, nhưng phải công nhận là khi biết nhiều hơn một chút thì có thể đọc các bài đọc dài hơn, ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn, thì thực sự việc học cũng trở nên thú vị hơn rất rất nhiều. Chủ đề các bài khóa cũng rất thú vị, ví dụ bài 1 thì nói về tình yêu, hôn nhân, bài 2 nói về tình cảm cha mẹ dành cho con cái, bài 3 nói về việc lựa chọn sống cuộc sống như thế nào,… mà như hôm nay mình nói với cô, cảm giác như nội dung giáo trình HSK 5 này thực sự rất phù hợp với một học sinh 30 tuổi như mình. Cảm giác như đối với từng chủ đề trong sách, bản thân mình đến tuổi này cũng đã tích lũy được kha khá trải nghiệm cá nhân, nên đọc và học thấy gần gũi, thấy có mối liên kết giữa bài học trong sách và cuộc sống của bản thân mình. Nếu là mình của thời đại học mà phải học theo giáo trình này thì có lẽ sẽ thấy hơi nhàm chán, có bài thì sẽ thấy hơi sáo rỗng. Nhưng mình của tuổi 30 cảm thấy mỗi bài học đều thật ý nghĩa, đối với mỗi vấn đề đều có thể kể về trải nghiệm của bản thân, cũng có thể đưa ra quan điểm, nhận định cá nhân. Ngày xưa đi học có lẽ sẽ chỉ đọc đọc đọc xong ghi chép từ mới, làm bài tập cuối sách, nhưng bây giờ mình học thì mình thấy mỗi buổi học giống như một buổi nói chuyện, thảo luận về một bài viết, một nhận định, một quan điểm sống.

Hồi xưa mình đi học, dù là cấp 2 cấp 3 hay đại học, mình hầu như không bao giờ đọc bài trước khi lên lớp. Hồi học sinh thì chắc vì hồi đó mình thấy chương trình trên lớp quá đơn giản, cũng không bao giờ có khái niệm phải học trước chương trình, còn lên đại học thì là vì lười. Đến sau này khi đi làm mình mới bắt đầu có khái niệm chuẩn bị trước một hoạt động nào đó, ví dụ như trước buổi họp mình sẽ đọc trước tài liệu, chuẩn bị trước các nội dung có thể sẽ trao đổi, trước buổi training mình cũng sẽ đọc qua các nội dung liên quan, đặc biệt nếu người dạy là một người nào đó mình đặc biệt quan tâm thì mình sẽ tìm trước các vấn đề muốn trao đổi với người dạy. Nhưng kể cả hồi đó mình đi học thêm một cái gì đó bên ngoài mình cũng ít khi chuẩn bị bài trước khi lên lớp, chắc đơn giản vì mình không có thói quen đó, mà các bạn cũng biết đó, nếu học hơi đuối, kiến thức không vững, lên lớp nghe thầy cô giảng ào ào thì sẽ ngày càng đuối và không thể nào theo kịp được. Mà không theo được thì sẽ nhanh chóng dẫn đến tình trạng không muốn học. Sau này nhìn lại mình mới thấy ngày xưa mình thật kỳ lạ, rõ ràng muốn đi học nên mới nộp tiền đi học, nhưng xong đến lúc đi học thì tinh thần hết sức chống đối, bài tập thì không làm hết, xong lại còn mong thầy cô cho nghỉ, đi học như bị ép buộc, giờ nghĩ lại mới thấy không hiểu sao ngày xưa mình kỳ cục dữ dội vậy. Bây giờ hơn 30 tuổi rồi, như hôm trước mình nói, mình hiểu vì sao mình muốn học, mình cũng hiểu rõ giá trị của thời gian, tiền bạc mình bỏ ra, vì vậy mình không học kiểu chống đối nữa (mặc dù vẫn lười làm bài tập viết huhu). Mình đọc bài trước khi lên lớp, đến HSK4 HSK5 thì mình đọc bài trước, đọc từ mới trước, đọc giải thích ngữ pháp trước, khi nào có thời gian mình còn làm cả bài tập trước. Lên lớp chủ yếu là để cô chạy lại một lượt coi như mình được ôn lại bài, xong được luyện nói, hỏi thêm các điểm mở rộng bên lề. Học 1:1 chi phí không rẻ nên mình cảm thấy nếu chỉ dành thời gian đó để cô nói lại những thứ trong sách mà với khả năng của mình có thể tự học được thì hơi lãng phí. Cái này đương nhiên mỗi người một kiểu, nhưng gần đây mình áp dụng mình thấy rất hiệu quả với mình. Mình sẽ cố gắng để duy trì sự chăm chỉ này lâu dài. Cảm ơn phiên bản học sinh 30 tuổi của mình đã nỗ lực nhiều hơn phiên bản học sinh năm 16 tuổi, nhìn lại thấy mình trở nên tốt hơn cũng là một cảm giác rất vui.

Có một điều nữa hôm nay mình nói với cô, là mình đang cố gắng bỏ tư duy học ngôn ngữ của một học sinh châu Á điển hình, tức là học để thi được điểm cao. Bạn nào học ôn IELTS, đặc biệt là đi học ở các trung tâm rồi thì sẽ biết ở bên mình có một kiểu học rất là châu Á, chính là học mẹo để đi thi được điểm cao. Mình đồng ý là nếu mục đích là thi lấy chứng chỉ, thì ngoài việc học tiếng thật tốt, thì việc có thêm các kỹ năng làm bài thi là rất quan trọng, nhưng kỹ năng làm bài thi thực sự không bao giờ quan trọng bằng việc bạn sử dụng ngôn ngữ đó được đến mức nào. Mình cũng nằm vùng trong một số nhóm học tiếng Trung, ôn luyện HSK, thỉnh thoảng cũng bị cuốn theo các bài chia sẻ của các bạn, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải tự nhắc nhở bản thân rằng các cháu đang cần ôn thi gấp để thi lấy chứng chỉ còn nộp hồ sơ xin học bổng đi du học, còn học sinh 30 tuổi này thì hãy tập trung chăm chỉ học thật vững cách sử dụng ngôn ngữ này. Ví dụ như lúc làm bài trong sách bài tập thấy khó vì nhiều từ mới quá, mình cũng lên tra xem các bạn khác thấy thế nào, thì mới thấy nhiều bạn bảo chỉ cần cày hết cuốn giáo trình, học thuộc hết từ vựng, rồi luyện đề là cũng có thể thi được HSK5, dù điểm không quá cao. Nhưng nghĩ lại thì mình cũng đâu có vội vàng thi HSK làm gì đâu, mà học như vậy thì 30 tuổi không thấy vui nữa, không nên đi tìm lối tắt làm gì, hãy cứ chậm rãi đọc từng bài đọc, phân tích từng bài, coi như mình đang vừa đi dạo vừa ngắm cảnh ý 😂 Ham thành tích cũng là một căn bệnh ăn sâu vào trong mình, bằng chứng là ngày trước mình chơi học tiếng Trung trên Duolingo, có những ngày học được rất nhiều điểm nhưng thực ra trong đầu chẳng nhớ được mấy, nhưng rất ham làm hết bài này đến bài khác để hoàn thành được toàn bộ chương trình học trên đó và giành được con cú Duolingo màu vàng 😅 Thuần chỉ là chơi game, chứ trong đầu không có đọng được gì mấy. Mình biết có bạn học trên đó có thể vẫn hiệu quả, nhưng một đứa ham thành tích và ưa vội vàng như mình thực sự cứ bị cuốn theo việc giành điểm thưởng ấy, không tiết chế được nên tự thấy cách này không phù hợp với bản thân. May mắn năm 30 tuổi cũng nhận ra điều này để quay đầu về bờ.

Thực ra ngày xưa mình học tiếng Anh cũng vui, mỗi giai đoạn có lẽ sẽ có một kiểu học khác nhau, khiến mình vui và hứng thú theo những kiểu khác nhau. Ngày trước thi cử dồn dập khiến mình cảm thấy như được bơm adrenaline, và cũng không thể phủ nhận ngày trước mình học theo kiểu của ngày xưa vẫn hiệu quả. Nhưng mình của năm 30 tuổi thấy việc thi được điểm cao không vui bằng việc mình có thể sử dụng được ngôn ngữ đó một cách thoải mái (đương nhiên nếu vừa giỏi ngôn ngữ vừa thi được điểm cao thì là tuyệt vời nhất rồi 😂). Và mình cũng nhận ra học một ngôn ngữ hay bất cứ cái gì ở tuổi này cũng có một cái hay riêng, có lẽ vì mình của năm 30 tuổi cũng chín chắn hơn một chút, sâu sắc hơn một chút, trưởng thành hơn một chút. Ngày trước mình cứ nghĩ ra trường rồi là thôi, giai đoạn tốt nhất để học một điều gì đó đã qua rồi, giờ học gì cũng coi như là vớt vát cho tuổi trẻ thôi chứ đầu óc đâu để học nữa. Nhưng hóa ra lại không phải vậy. Và biết đâu năm 40 tuổi mình học một cái gì đó khác mình cũng lại thấy học điều đó ở tuổi đó mới là phù hợp nhỉ? Chỉ nghĩ đến điều này mình lại thấy háo hức với những năm tháng phía trước rồi.

One Comment Add yours

  1. thvi says:

    Lâu lâu vào WP thấy chị Jane comeback em mừng quá chừng. Em thích đọc blog của chị lắm luôn vì vừa tích cực lại có nhiều thông tin thú vị nữa. Mong chị đừng suy nghĩ nhiều về việc học X ở tuổi Y vì việc học là suốt đời mà hehe, lúc nào chúng ta cũng đang trong một quá trình theo đuổi cái này/ nghiên cứu cái kia chẳng phải thú vị hơn sao ^^

    Liked by 1 person

Leave a comment