Từ nãy giờ cứ băn khoăn không biết hôm nay có nên viết không. Thử thách viết liên tục trong 30 ngày cũng đã kết thúc nên động lực có suy giảm đi chút ít. Hơn nữa, hôm nay đã là một ngày dài, giờ bên Nhật cũng đã hơn 12h đêm rồi, mai cũng muốn dậy sớm đi chơi. Mình sợ nhất là những ngày đi chơi xong ngủ dậy muộn chút rồi ăn sáng thay đồ xong còn mất thời gian di chuyển nữa, thế là hết nguyên một buổi sáng. Rồi mùa đông trời còn tối sớm nữa hic. Năm ngoáiđi ChâuÂu mình với Boon và Púng thực sự rất nghiêm túc về giờ giấc dậy đi chơi :)) Trời lạnh căm căm mà toàn dậy từ 6h sáng lúc trời còn tối om để còn thay nhau đánh răng rửa mặt sửa soạn còn đi chơi. Nói vậy thôi cuối cùng mình vẫn viết một chút, mặc dù như chồng vẫn nói là nếu cầnđảm bảo số lượng thì mình sẽ khó mà đảm bảo chất lượng (nguyên văn anh ý nói là “đảm bảo doanh thu thì khó đảm bảo chất lượng”), nhưng có vẻ như giai đoạn này mình cần nâng cao số lượng để ổn định chất lượng.
Hôm nay ở nhà là 20/11 nè, trước khi đi chơi mình đã nghĩ ngày này nhất định sẽ viết một bài thiệt dài thiệt cảm động để kể về những thầy cô giáo đã từng đi qua cuộc đời mình, hay nói đúng hơn là, kể về những người thầy người cô mà mình đã từng có may mắn được là học sinh của thầy cô. Mình có những người thầy, người cô mà nhờ có họ mà giờnđây mình rất khác so với mình của thời trước khi được gặp thầy cô đó. Để kể ra thì nhiều lắm, cô giáo dạy đàn piano của mình nè, cô giáo dạy thanh nhạc hợp xướng lớp 2 lớp 3 nè, cô giáo chủ nhiệm tiểu học nè, cô giáo dạy thêm văn trước khi mình vào lớp 6 (khi mới về Việt Nam), rồi cả bác hàng xóm đã dạy mình tiếng Việt và tập làm văn trước khi còn bên Nga này, cô dạy Văn và cô dạy tiếng Anh ôn thi đại học cho mình nè… Nhiều lắm nhiều lắm. Từ thời mẫu giáo, từ lúc mình còn nhớ được, tới thời đại học ở Việt Nam rồi cả bên Mỹ, rồi cả sau này khi đã tốt nghiệp mình gặp được nhiều thầy cô giỏi mà có tâm lắm. Được học những người thầy, người cô này, mình thấy nghề giáo thực sự đáng quý. Nghề nào cũng quý cả, những mỗi lần mình được thầy cô truyền cảm hứng, hay những lúc mình nhìn những người thầy, người cô dạy các em nhỏ những điều hay lẽ phải, dạy chocác em cách sống, cách làm người, mình thấy không phải tự dưng người ta nói nghề dạy học là nghề trồng người. Vì những người thầy, người cô này đóng góp một phần rất lớn vào việc hình thành tương lai của một xã hội tốt đẹp hơn.
Người ta nói không sai, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Mình biết ơn những người thầy người cô đã từng dạy học mình, bất kể đó là môn gì, thời gian nào, mình học có tốt hay không, mình có quý thầy cô đó hay không. Thời học sinh có lẽ ai cũng từng nói xấu thầy cô giáo của mình, mình không phải ngoại lệ. Mặc dù bao nhiêu năm làm lớp trưởng, nhưng mình cũng không thực sự ngoan, cái không ngoan nhất của mình chính là hay ‘bật’ thầy cô và không có thái độ khiêm tốn, tôn trọng trước thầy cô. Thầy cô nào quý mà thấy học sinh hay nói thẳng thì gọi là cá tính, và có khi lại càng thích, thầy cô nào không thích thì sẽ nói là láo, và nghĩ lại thì mình thấy mình hồi đó có những lúc láo thật. Sau này nghĩ lại có những lúc thấy ngày xưa mình cư xử chưa đúng mực với thầy cô, rồi mình nghĩ, sau khiđã kết thúc tất cả các bài giảng với rất nhiều chữ (còn chẳng phải chỉ là một chữ), đến mãi về sau này, những thầy cô vẫn dạy cho mình những bài học về cách sống, về sự khiêm tốn, về cách xử sự phù hợp khi sống ở ngoài xã hội.
Những lúc viết những dòng này, mình lại nghĩ tới bố mẹ. Những ngày này, những ai làm nghề giáo đều nhận được rất nhiều lời chúc và quà tặng. Không biết vào ngày này mọi người có chúc mừng bố mẹ không nhỉ? Đối với mình, bố mẹ mãi mãi là người thầy, người cô quan trọng nhất. Dùng từ quan trọng nhất có lẽ không lột tả được đúng tính chất ở đây, nhưng mình thấy dùng từ ‘vĩ đại’ thì nghe xa lạ quá nên tạm thời dùng từ “quan trọng” vậy. Bố mẹ dạy mình tất cả mọi thứ, từ chuyện học trong sách vở đến cách sống với mọi người xung quanh, cách sống với chính bản thân mình. Các bạn cứ hay hỏi sao ngày xưa mình về Việt Nam lại có thể theo học luôn tiếng Việt cùng mọi người, thì mình luôn kể rằng vì từ khi mình còn ở bên Nga, mình đã học tiếng Việt cùng tiến độ như bạn bè đồng trang lứa ở Việt Nam. Từ ngày mình còn bé tí, ở cửa phòng ngủ đã dán 3 bảng chữ cái tiếng Anh – tiếng Nga – tiếng Việt và trước khi vào lớp 1 mình đã biết đọc cả 3 thứ tiếng đó cùng lúc. Bố mỗi lần về phép đều đem theo từng bộ sách giáo khoa các lớp rồi cả sách nâng cao môn Toán cho tới tận lớp 5. Trước khi có bác hàng xóm – cô giáo dạy Văn chuyển đến, thì người dạy học tiếng Việt và tập làm văn cho mình chính là mẹ. Có trời mới biết ngày xưa mình học khổ thế nào, tiếng Việt thì nói không sõi rồi sống ở nước ngoài từ bé mà suốt ngày phải học viết tả cây tre hay con lợn nhà em. Mẹ cũng dạy cả môn Toán nữa, nhớ mùa hè mới học hết lớp 1 mà mẹ đã bắt hai chị em học sách Toán nâng cao lớp 5, xong mẹ còn dạy quy tắc chuyển vế, mà mình mãi không hiểu được tại sao bên này nó đang là dấu cộng rồi sang kia nó lại là dấu trừ. Học mãi không được, con khóc vì sợ học, mẹ khóc vì sợ con dốt. Nhưng nhờ những ngày như vậy nên lúc về Việt Nam mình cũng hẫng vừa vừa thôi chưa không phải hẫng đến mức không dám đi học. Mẹ còn hay kể về những ngày dẫn mình đi học đàn, khi mình còn chưa vào lớp 1 ấy. Mẹ mình là người không biết nhạc, và cũng không thực sự có năng khiếu về nhạc, nhưng mẹ là người dẫn mình đi học và ngồi dự tất cả các buổi học đàn piano của mình khi mình còn học mẫu giáo và khi mình học lớp 1, để nghe xem cô giáo dạy những gì và nói về nhà phải tập luyện thế nào. Để đến lúc về nhà, dù không biết nhạc, không biết chơi piano, nhưng mẹ vẫn có thể hướng dẫn aka giám sát mình học đàn cho tử tế :)) Người ta nói không sai, khi con học lớp 1 thì bố mẹ cũng phải học cùng con, chính là như vậy đó.
Bố mình thì lại khác. Bố không tham gia nhiều vào chuyện học của mình, có lẽ vì bố mẹ cũng phân công nhau, nên bố chủ yếu tập trung vào việc dạy em trai mình, từ chuyện học đến chuyện tập thể thao. Bố là người khắc nghiệt, dù bên ngoài có tỏ ra vui tính với mọi người thế nào thì khi về nhà, bố vẫn là người rất nghiêm khắc trong chuyện dạy. Các phương pháp của bố có lẽ hơi hardcore, và em trai mình dù có rất nhiều cái khôngđồng tình với phương pháp dạy của bố, nhưng vẫn nói với mình rằng nhờ bố mà em mình mới có ngày hôm nay. Còn đối với mình, bố sẽ là người dạy những thứ mà trong sách vở người ta không dạy, nhưng nếu ra ngoài đời mà bạn không biết thì sẽ thiệt thòi. Ví dụ như bố nói mình phải biết đàn hát phải biết chơi thể thao để dễ kết bạn, dễ thích nghi ở trong mọi tập thể. Bố dạy mình đi dép không được loẹt quẹt dưới đất (ui ngày xưa nhà mình ở tập thể sinh viên, nhà về sinh chỉ có ở hai đầu của tầng, hành lang thì siêu dài, anh chị sinh viên nào mà đi loẹt quẹt là hôm sau bố mình nhắc nhở ngay, không ngủ được mà =)) ). Bố dạy cách chào hỏi, cách gọi điện, cách bắt tay. Nhiều cái ngày xưa bố nói mình cũng không thấy trân trọng đâu, nhưng sau này mới thấy bố nói như vậy là đúng thật, và thật may vì mình đã được dạy như thế từ bé, vì có nhiều điều không phải ngày một ngày hai mà học được. Cái này bí mật nhé,đừng kể với bố mình, không lần sau mình lại bị yếu thế khi tranh luận với bố :))
Ui chà, ban đầu định không viết mà cuối cùng lại viết dài ghê. Túm lại thì ngày 20/11 hôm nay, mình xin gửi lời cảm ơn tới những người thầy người cô mình đã may mắn được gặp và được học từ họ. Cảmơn các thầy côđã luôn tận tâm với nghề trồng người và mình mong rằng tất cả các học trò sẽ có may mắn được gặp thật nhiều thầy cô có tâm, yêu nghề và biết cách truyền cảm hứng cho học trò. Lời cuối cùng, xin cảm ơn bố mẹ vì đã là những thầy cô tuyệt vời, mặc dù học trò này vẫn hay cãi thầy cô, nhưng điều đó vẫn không thay đổi sự thật rằng bố mẹ là thầy cô quan trọng nhất trong cuộc đời của con.