2018.11.13 – Chuyện ngoại ngữ: Nên học giáo viên người Việt hay người bản xứ

Từ trước đến nay, chuyện chọn giáo viên cho việc học ngoại ngữ là một chủ đề được rất nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm, bởi việc học ngoại ngữ cũng là thứ tốn kém về tiền bạc và thời gian, mà chất lượng giáo viên ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học sau này của người học ngoại ngữ. Trong bài viết này mình chỉ đưa ra quan điểm cá nhân dựa vào quá trình học (chưa dài lắm) của mình, rất mong sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bạn. Bản thân mình cũng đang phân vân về chuyện chọn thầy cho giai đoạn học tiếp theo của mình, vì vậy hi vọng sẽ có thể được thấy ý kiến của các bạn trong phần bình luận dưới bài để chúng mình cùng thảo luận thêm.

  1. Năng lực sư phạm quan trọng hơn quốc tịch

Có một điều mình nhận thấy ở nhiều phụ huynh & học sinh, và các trung tâm cũng dựa vào đặc điểm đó để kiếm tiền, chính là sính ngoại, tin rằng giáo viên người bản xứ luôn luôn tốt hơn người Việt Nam, và học ngoại ngữ dạy bởi người bản xứ đương nhiên tốt hơn là học người Việt Nam. Đồng ý là người bản xứ có thể có cách phát âm chuẩn hơn, nói tự nhiên hơn, tuy nhiên không phải người bản xứ nào cũng có thể làm giáo viên. Tự hỏi xem chúng ta là người Việt Nam đó, nhưng có phải ai cũng có thể đi dạy tiếng Việt được không? Hiện tại có nhiều người nước ngoài sinh sống tại các nước Châu Á và kiếm thu nhập bằng cách đi dạy tiếng Anh, và điều này cũng không có gì là xấu, là sai cả, giống như sinh viên lên học đại học thì đi gia sư thôi, mình biết gì thì mình đi dạy cái đó cho những người có nhu cầu. Tuy nhiên cũng giống như chuyện gia sư, thi đại học điểm có thể cao nhưng cách thức truyền đạt và chất lượng giảng dạy cũng chưa biết thế nào, tương tự như vậy đối với người nước ngoài đi dạy tiếng Anh thôi. Và cái này không phải chỉ đúng với mỗi việc học ngoại ngữ. Mình thấy ở nước mình vẫn còn hơi sính ngoại, thiên vị giáo viên người bản xứ, vì nghĩ người bản xứ là xịn, chứ mình đã học những giáo viên người Việt dạy cực hay (ví dụ như cô Ngọc dạy Luật ở FTU) và mình cũng từng ngồi trong lớp của rất nhiều giáo sư người Mỹ dạy buồn ngủ kinh khủng, buồn ngủ đến mức mình quyết định sau buổi đó sẽ đổi môn luôn. Noi chung, chọn giáo viên cần phải dựa vào năng lực sư phạm chứ không phải quốc tịch.

2. Cần xác định mình học tiếng với mục đích gì và cần tập trung vào kỹ năng nào

Đối với mỗi giai đoạn học ngoại ngữ thì mình sẽ có những mục tiêu khác nhau và cần tập trung phát triển các kỹ năng khác nhau. Có những khoảng thời gian mình sẽ học để làm quen với ngôn ngữ chẳng hạn, rồi có những giai đoạn mình sẽ học để giao tiếp, có lúc mục tiêu chính lại là học để thi lấy chứng chỉ. Cá nhân mình rút ra kinh nghiệm như sau:

  • Khi mới bắt đầu học ngoại ngữ: Học đồng đều các kĩ năng. Có các phương án sau:
    • Kết hợp học người Việt và giáo viên người bản xứ để vừa đảm bảo mình được chỉnh sửa về phát âm bởi người bản xứ, vừa có thể được giáo viên người Việt giải thích rõ mọi vấn đề mình chưa hiểu.
    • Nếu học giáo viên người Việt hoàn toàn thì cần tìm người phát âm chuẩn, ví dụ như ở lớp tiếng Trung của mình, chị founder và thầy dạy lớp mình đều là phát thanh viên, giọng nói chuẩn, đã từng đi phiên dịch và tham gia nhiều chương trình giao lưu Việt Trung trong và ngoài nước, nên mình thấy học toàn bộ bởi giáo viên người Việt rất ok. Vì là người Việt nên họ cũng sẽ hiểu rõ những khó khăn người Việt mình có thể gặp phải khi học ngoại ngữ đó, hiểu rõ cấu trúc vòm họng mà hiểu được những lỗi sai phát âm thường gặp, hoặc sự khác biệt về cấu trúc ngữ pháp, etc.
    • Nếu học giáo viên người bản xứ hoàn toàn (không nói được tiếng Việt) thì để học được cần có 1 trong 2 điều kiện sau: 1) Có một ngôn ngữ trung gian mà cả 2 đều thông thạo, ví dụ như giáo viên cũng nói được tiếng Anh, bạn cũng nói được tiếng Anh, và bạn đang học tiếng X bởi giáo viên đó. Giáo viên sẽ có thể dùng tiếng Anh để giải thích tiếng X cho bạn; 2) Bạn phải có khả năng tự học tốt, tự đọc tài liệu bằng ngôn ngữ bạn thông thạo. Ví dụ như ở Trung tâm văn hoá Hàn Quốc, cô giáo mình là người Hàn và cô hoàn toàn không nói được tiếng Việt và tiếng Anh. Ngữ pháp lúc nào cũng được cô tóm gọn bằng các công thức và các ví dụ rất dễ hiểu, nhưng để có thể tiếp thu tốt nhất thì mình thấy vẫn cần tự đọc thêm sách, ví dụ như mình đọc thêm cuốn Ngữ pháp tiếng Hàn thông dụng (Korean Grammar in Use). Trong cuốn How to Speak Any Language Fluently: Fun, stimulating and effective methods to help anyone learn languages faster cũng nhấn mạnh một điểm rằng nên học ngữ pháp bằng tiếng mẹ đẻ của mình, hoặc một ngôn ngữ khác mình rất thông thạo rồi, vì nếu không thì mình sẽ mất rất nhiều thời gian để hiểu ngữ pháp và thậm chí là có thể hiểu sai, thời gian học kéo dài quá có thể khiến cho mình bị mất động lực.
  • Luyện thi chứng chỉ: Về khoản này mình thấy giáo viên người Việt có vẻ vượt trội hơn giáo viên bản xứ. Vì sao lại như vậy? Vì bản chất các kì thi không chỉ kiểm tra năng lực ngôn ngữ của bạn, mà còn kiểm tra tư duy làm bài, và mình thấy dân Châu Á chính là vô địch trong việc rút ra các mẹo làm bài thi. Đó vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu, là lí do tại sao dân Châu Á nhìn chung đạt điểm cao trong các kì thi, nhưng lại không phải ai thi điểm ở mức tạm được lại có thể sử dụng ngôn ngữ đó thành thạo đúng với chuẩn mình đã thi. Hồi học ôn IELTS, mình nhận ra các lớp Reading và Listening thì người dạy sẽ là người Việt, vì những phần này thường sẽ dạy nhiều về thủ thuật làm bài. Writing cũng vậy, có thể mình chưa học hết khoá nên chua được học người nước ngoài =)) Nhưng những buổi đầu thì luôn là người Việt, bởi vì phần thi viết của IELTS cũng rất đặc thù, và cũng có những cấu trúc rất rõ ràng để có thể ăn điểm, túm lại thì vẫn là học về thủ thuật. Riêng phần Speaking, mình nhớ buổi đầu vẫn có trợ giảng người Việt, còn sau đó thì toàn bộ là người bản xứ dạy. Sau này mình hiểu sắp xếp như vậy vì phần Speaking, người đối thoại với mình trong phòng thi là người bản xứ. Tuy vậy, đương nhiên trong cả Speaking cũng sẽ học các thủ thuật, được tổng hợp thành cả các cấu trúc. Ví dụ như mình nhớ mãi thầy nói rằng, câu hỏi trong phần speaking có thể rất đơn giản, nhưng mình phải trả lời sao cho có câu chuyện để có thể triển khai ra nhiều ý. Nếu người ta hỏi bạn màu ưa thích của bạn là gì, bạn không được trả lời đơn giản ‘Màu ưa thích của tôi là màu đen’ và chấm hết. Bạn sẽ được dạy phải nói kiểu, tôi thích rất nhiều màu nhưng màu ưa thích nhất là abc vì nó gắn với kỉ niệm xyz… Và những cái này nếu ko phải là người Việt dạy thì cũng sẽ là do người Việt tổng hợp lại cho người bản xứ dạy. Thi chứng chỉ ngoại ngữ là dành cho người nước ngoài, vì thế người có thể dạy cho bạn cách được điểm cao, chính là người nước ngoài :))
  • Học giao tiếp: Về mục này thì mình nghĩ nên học người bản xứ để đảm bảo chuẩn phát âm hoặc người Việt Nam nhưng bắt buộc phải phát âm chuẩn và sử dụng ngôn ngữ đó rất thành thạo. Mình nghĩ để học giao tiếp thì cần phải nói nhiều và luyện tập phản xạ, rõ ràng điều này sẽ được nâng cao khi bạn học người bản xứ và ngôn ngữ đó là ngôn ngữ duy nhất sử dụng trong phòng học. Mình có đi học bù một buổi học tiếng Hàn ở lớp một cô người Việt tại trung tâm, và mình thấy rõ ràng phản xạ của mình tốt hơn so với các bạn trong lớp cô người Việt đó, có lẽ vì trong lớp của mình thì cả buổi không nói một câu tiếng Việt nào cả. Mọi thứ cũng rất tự nhiên, ví dụ như có nhiều từ chưa học và không biết nghĩa/ngữ pháp chính xác là gì, nhưng thấy cô nói những cái đó gắn với các hoạt động, sự việc cụ thể thì tự mình biết đó là gì, đó mới là quá trình học ngôn ngữ tự nhiên. Hoặc như lớp tiếng Trung, đầu mỗi buổi thầy sẽ vào lớp và chỉ nói toàn bằng tiếng Trung, hỏi mọi người về thời tiết, cuối tuần vừa rồi làm gì, rồi đợt này ở rạp có phim này phim kia hay. Do mình học thầy từ khoá cơ bản nên cứ nghĩ vậy là bình thường, nhưng sau này nói chuyện với các bạn lên khoá nâng cao mới học thầy, các bạn nói không phải lớp nào cũng được nói nhiều như thế, và các bạn đã mất mấy buổi mới quen được việc thầy liên tục hỏi và mình phải liên tục nghĩ và nói chuyện trả lời thầy như thế.

Thực ra trong suốt thời học sinh của mình, mình chưa bao giờ học tiếng Anh người bản xứ. Cô giáo dạy tiếng Anh đầu tiên của mình là một cô người Nga nhưng trong nhiều năm mình vẫn luôn tin rằng trong dòng máu của cô nhất định có nhiều phần là người Anh. Không phải vì cô nói tiếng Anh chuẩn, mà vì cô nghiêm khắc và lúc nào cũng búi tóc và ăn mặc theo kiểu hơi cổ điển như các cô giáo khó tính tại các boarding school (trường nội trú) trong phim của Anh. Cô là người xây dựng căn bản cho mình, và mặc dù mình học nhạc viện, các môn văn hoá học không bị quá nặng, nhưng mình thấy cô rất xịn, nhờ có cô mà từ bé mình được học rất bài bản về phát âm, cách học từ vựng, hay cách sử dụng sách ngữ pháp. Những nền tảng này là rất quan trọng, vì nhờ nền nảng này mà sau này mình đã có thể tự học tiếng Anh mà không cần phải đi học thêm nhiều dù mình học lớp Toán của ban A. Đến năm lớp 11 12 mình bắt đầu học thêm tiếng Anh để thi đại học nữa, vậy là kết thúc giai đoạn học ngoại ngữ thời học sinh. Lên đại học thì chuyện đi học tiếng có lẽ không cò ảnh hưởng nhiều đến mình nữa vì trên lớp đã học giảng viên nước ngoài rồi, nên nhờ vậy mà sau này mình thi chứng chỉ cũng không khó khăn mà đến lúc đi học bên Mỹ thì giao tiếp cũng không gặp khó khăn gì. Nếu được quay trở lại thời xưa, có nhiều lựa chọn hơn, được phép làm lại, thì mình sẽ chọn học giao tiếp người bản xứ trong giai đoạn cấp 2 cấp 3 của mình để phát âm không bị ảnh hưởng nhiều bởi cách phát âm của giáo viên người Việt Nam. Nhưng giấc mơ cũng chỉ là giấc mơ, thời đó trên vùng núi thì mình cũng không có nhiều lựa chọn, mà bản thân hồi đó cũng thích dành nhiều thời gian cho những cái khác hơn, ví dụ như ôn thi học sinh giỏi môn Toán chẳng hạn, hay là trốn học thêm tập thể chẳng hạn :)) Như mình cũng đã là may mắn lắm rồi.

Chia sẻ thêm một điều mình thấy khá thú vị, đó là cách dạy của cô giáo người Hàn Quốc của mình. Do cô không nói được tiếng Việt hay tiếng Anh nên cô chuẩn bị bài rất kĩ, dạy cực kì đơn giản, mọi vấn đề ngữ pháp được tổng hợp thành công thức và có rất nhiều ví dụ minh hoạ. Từ vựng cũng học bằng hình ảnh trên slide, như flashcard. Bài học ngắn gọn dễ hiểu, được đọc nhiều nói nhiều, nhớ bài ngay trên lớp. Có thể vì đây mới là sơ cấp mọi thứ còn đơn giản nên mình thấy không sao, nhưng nói chung ở thời điểm hiện tại mình rất hài lòng với lớp này. Hôm mình đi học bù ở lớp khác mới thấy cách dạy hoàn toàn khác, và có lẽ vì mình quen kiểu của cô người Hàn Quốc rồi nên thấy học cô người Việt hôm đó dạy có những cái không thích bằng. Ví dụ như cô không có slide này, trong buổi học hoàn toàn không có những hình ảnh minh hoạ, chỉ sử dụng sách (ví dụ như phần từ mới sẽ chỉ đọc danh sách từ mới trong bảng cuối bài) và một số ví dụ về ngữ pháp cô sẽ viết lên bảng để giải thích. Khi dạy về ngữ pháp, cô người Hàn viết thành các công thức và chia ra các trường hợp khác nhau, nhìn trên cùng 1 slide như vậy thấy rất dễ hiểu, rồi sẽ có thêm slide về các trường hợp ngoại lệ (kèm ví dụ), cảm giác như mọi thứ rất chắc chắn và được tóm gọn lại chỉ trong vài slide, tạo cho người học tâm lý phần ngữ pháp này đơn giản, dễ hiểu ngắn gọn, không có gì khó cả. Cô giáo người Việt mặc dù giảng bằng tiếng Việt nhưng cảm giác như trong phần ngôn từ sử dụng có nhiều thông tin thừa thãi không cần thiết, rườm rà, có lẽ bắt nguồn từ việc sử dụng ngôn ngữ một cách vô thức, vì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của cả cô giáo và học sinh, cô giáo mặc định học sinh sẽ hiểu những gì được diễn giải bởi tiếng mẹ đẻ. Do bất đồng ngôn ngữ với học sinh nên cô người Hàn phải đơn giản hoá bài học nhất có thể và sử dụng các hình ảnh minh hoạ, nhưng chính nhờ đó mà bài học rất tập trung, ngắn gọn và dễ hiểu. Mình thấy như vậy mới là đúng, một giáo viên dạy mà khiến cho học sinh cảm thấy môn đó thú vị nhẹ nhàng dễ hiểu mới là giáo viên dạy giỏi, còn nếu học sinh mà thấy khó hiểu khó nhớ thì chứng tỏ buổi học chưa thực sự hiệu quả. Và thực ra cái này không quyết định bởi quốc tịch, mà là bởi cách tư duy của giáo viên. Cô người Việt cũng có thể làm cho bài học của mình trở nên dễ hiểu như cô người Hàn bằng cách chuẩn bị slide, tổng hợp kiến thức thành các công thức ngắn gọn và dạy từ vựng bằng các hình ảnh minh hoạ, đồng thời trong lớp sử dụng ngôn từ không rườm rà, không nói những câu thừa thãi không cần thiết. Những câu chèn thêm vào trong văn nói dù được bật ra và tiếp nhận một cách rất tự nhiên, nhưng thực ra lại khiến chúng ta bị phân tâm khỏi nội dung bài học.

Túm lại, khi tìm giáo viên để học ngoại ngữ, quan trọng nhất là phải xét đến mục tiêu học của mình, từ đó tìm được người giáo viên có năng lực sự phạm tốt và phương pháp dạy phù hợp với mục đích học của mình. Thời gian vừa rồi mình học ngoại ngữ mới, tiếng Trung mình học người Việt, còn tiếng Hàn mình học người Hàn, và trải nghiệm đều rất tốt. Còn các bạn thì sao, các bạn thích học người Việt hay người bản xứ? Hãy chia sẻ kinh nghiệm với mình nhé!

Advertisement

2 Comments Add yours

  1. Em cũng đang học tiếng Hàn, nhưng tại trường đại học Hàn Quốc, và không có slide luôn @@.

    Liked by 1 person

    1. janehoang says:

      Thực ra việc sử dụng slide chỉ là 1 trong rất nhiều phương pháp dạy, chị cũng từng học nhiều giáo viên không sử dụng slide nhưng dạy vẫn rất hay và hiệu quả vì cách dẫn dắt và triển khai ý của thầy cô rất rõ ràng và logic. Em học tiếng Hàn bên đó là thích nhất rồi còn gì huhu có môi trường để sử dụng tiếng, lại còn nghe hàng ngày nên phản xạ tiếng tốt. Có khi vì thế nên thầy cô thấy ko cần dùng slide chăng :))

      Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s