Hôm nay tới Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam để xem triển lãm nhưng quyết định sẽ đi hết một vòng bảo tàng trước đã, vì cũng lâu lắm rồi không tới đây. Lần cuối mình đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là từ hồi còn học đại học, lần này quay lại cảm nhận mọi thứ theo một cách thật khác. Ngày trước tới đây là để đưa thầy cô, bạn bè nước ngoài tới xem, còn hôm nay tới đây một mình để bản thân được xem và được học. Đi xem tranh mới thấy hiểu biết về lịch sử của mình thực sự quá hạn hẹp và ít ỏi, nhưng như Kapi nói, không thể biết hết mọi thứ được, nhưng chỉ cần mình có mong muốn học hỏi là được.
Lang thang trong bảo tàng mà vẫn cảm thấy thật tiếc vì ở Việt Nam mọi người ít đi bảo tàng quá. Vé bảo tàng rất rẻ, có 60.000 VNĐ đối với người lớn thôi, mà chú bán vé còn hỏi cháu có phải sinh viên không, nếu là sinh viên chú sẽ lấy vé sinh viên cho. Bảo tàng lưu giữ nhiều tác phẩm quý giá, và cũng không phải tác phẩm nào cũng khó cảm thụ, nhiều tranh đẹp và dễ xem, gần gũi với cuộc sống, chỉ là nghe tới cụm từ ‘bảo tàng mỹ thuật’ có lẽ mọi người thấy nó to tát xa vời mà hàn lâm khô khan quá nên mọi người không háo hức để tới đây. Nhìn nhận một cách khách quan thì các bảo tàng ở Việt Nam cũng chưa thực sự gần gũi với dân, cách thức truyền tải cũng chưa thực sự hấp dẫn và bắt kịp với các xu hướng hiện đại. Mình hi vong trong tương lai không xa, bên cạnh các phòng trưng bày cố định lâu dài thì sẽ có nhiều phòng triển lãm cho các tác phẩm đương đại, rồi sau này có thể là các triển lãm trưng bày các tác phẩm từ nước ngoài. Tới bảo tàng sẽ có thể dùng app của bảo tàng để scan QR code cạnh mỗi tác phẩm để có thể xem được thông tin về tác giả, hoạ sĩ hay nghệ nhân, cũng như câu chuyện liên quan đến tác phẩm, kèm theo cả bản audio nữa. Vé vào bảo tàng có thể đắt hơn, nhưng trải nghiệm sẽ khó quên hơn, và sau này khi có trưng bày triển lãm mới mọi người sẽ lại muốn quay lại để xem, để học và để trải nghiệm. Mình tin là ngày đó sẽ không xa, vì hiện tại Vin và các doanh nghiệp lớn khác đã bắt đầu nhảy vào lĩnh vực nghệ thuật, khi những người có business mindset kết hợp với những người làm nghệ thuật thì có thể tạo ra được rất rất nhiều thứ tuyệt vời. Nói vậy chứ kể cả bây giờ bảo tàng chưa có những tính năng công cụ hiện đại như ở nước ngoài, nhưng vẫn là một nơi rất đáng để đi, và đáng để đến nhiều lần. Vì một lần là không thể thấm hết.
Hôm nay mình tới với mục đích chính là xem triển lãm “Vũ điệu sắc màu – Dancing colours of nature” trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Hoàng Định và họa sĩ Somsak Chaituch. Ban đầu chỉ nghĩ sẽ tới để xem tranh, mà cuối cùng lại còn có những cuộc trò chuyện rất thú vị với hai bác họa sĩ với những câu chuyện và câu nói để lại cho mình nhiều suy nghĩ.
Bác Somsak Chaituch sinh ra trong một gia đình nghèo tại Thái Lan. Nhà bác nghèo tới mức từ lúc còn học cấp 2 bác đã phải đi hát dân ca Thái Lan tại các nhà hàng để kiếm tiền trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Hết cấp 3 bác đi làm tại khách sạn để kiếm sống, cũng không có tiền để mơ chuyện học đại học, đặc biệt là về nghệ thuật. Mãi sau này khi sang Hà Lan làm việc, bác mới có cơ hội vào học nghệ thuật một cách chính thống và sau này trở thành một họa sĩ có tiếng. Bác kể cho mình với một sự tự hào không giấu giếm rằng vì ngày xưa bác là sinh viên xuất sắc nên đã được mời vẽ tranh chân dung cho Hoàng gia Hà Lan. Khi mình nói rằng bác có lẽ là một người đã, đang và sẽ truyền được nhiều cảm hứng cho những người theo đuổi nghệ thuật tại Thái Lan, thì bác lại im lặng một chút, rồi nói: “If you want to be an artist, you need to accept the fact that you will be poor.” Làm nghệ thuật không phải là con đường dễ dàng, bác nói một cách rất thực tế rằng nhiều người rất tài năng và có thể sáng tác những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, nhưng vì họ không được học về kế toán, tài chính, kinh doanh, nên họ chỉ biết sáng tác thôi, họ không làm ra tiền. Để có những triển lãm, có thể tham gia cuộc thi, họ cần có một người quản lý ở bên cạnh để sắp xếp mọi công việc cho họ, để họ có thể tập trung vào chuyện sáng tác nghệ thuật. Lúc đó mình lại nghĩ, có phải vì thế mà ở Việt Nam lĩnh vực quản lý nghệ thuật chưa đi xa không? Phải chăng vì ở Việt Nam mặc dù có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, nhưng nghệ thuật vẫn không đến được với người dân là vì còn thiếu những người đến với nghệ thuật từ góc độ quản lý và kinh doanh? Những quy trình phức tạp trong khâu kiểm duyệt, cùng các thủ tục phức tạp khác mà mình chưa hiểu rõ nhưng hôm nay nghe một chị chuyên gia nhắc đến, cũng là một rào cản để nghệ thuật có thể phát triển tự do và rộng khắp hơn.
Khi sang phòng trưng bày tranh của bác Hoàng Định, mình cứ đứng xem mãi vì tranh thực sự rất đẹp, và càng nhìn càng thấy được nhiều câu chuyện, nhiều âm thanh. Thì bỗng dưng bác Hoàng Định ra hỏi là cháu có thích không? Và khi mình chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân, mắt bác sáng lên và bác bắt đầu kể những câu chuyện về nguồn cảm hứng cho những bức tranh này, cho phong cách vẽ này. Mình không thể kể lại hay như bác được, nhưng có mấy câu bác nói mà mình rất thích, ví dụ như bác nói rằng các nét vẽ trên bức tranh nếu bỏ riêng ra thì nó chẳng là cái gì cả, giống như nốt Đồ Rê Mi nếu đứng riêng ra thì cũng không là cái gì hết. Nhưng khi kết hợp nhiều những nét vẽ tưởng chừng không là gì hết, những mảng màu tưởng chừng loang lổ, thì cũng giống như nốt Đồ Rê Mi kia được đặt trong tổng thể bản nhạc, với nhiều nhạc cụ khác nhau, ngay tức khắc sẽ trở thành một bản Concerto. Bác kể về một người Canada tới xem tranh rồi cứ đứng khóc vì bỗng dưng ông ý nhớ lại rất nhiều khoảnh khắc đẹp và buồn đã từng xảy ra trước đây. Bác nói rằng bác không vẽ âm nhạc, nhưng tranh của bác cũng như âm nhạc. Bác còn chia sẻ về những hi vọng, mong muốn về những triển lãm trong tương lai với những chất liệu khác nhau, về những bức tranh cảnh sắc quê hương mà trong đó sẽ thấy cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Bác kể nhiều chuyện hay lắm mà mình không thể nào kể hết, nhưng mình xúc động nhất là khi mình hỏi rằng kết thúc triển lãm này bác có buồn không, vì có những tranh sẽ đến tay người mua chúng và bác sẽ không bao giờ được nhìn lại chúng nữa, thì bác nói rằng nghĩ đến việc mất những đứa con tinh thần ấy bác đau khổ lắm, nhưng bác lại hạnh phúc vì kết thúc triển lãm bác lại được sáng tác. Bác nói rằng trong tim có nhiều cảm xúc quá, chỉ sợ không sống ở đời đủ lâu để kịp sáng tác hết. Lúc bác nói câu đó, mình cảm giác mắt bác như đang lấp lánh. Thật cảm phục những người như vậy. Lúc sau ngồi lên xe buýt đi về và đọc quyển sách tranh bác tặng, mình mới biết bác ngày xưa được coi như cây cổ thụ trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và được mệnh danh là ‘Phù thủy typography’. Mãi sau này bác mới vẽ tranh. Bác là người đã thiết kế bao bì của rất nhiều hãng bánh kẹo, rượu bia nổi tiếng tại Hà Nội, và năm 1976 bác cũng chính là họa sĩ thiết kế thẻ Đảng viên ĐCS Việt Nam. Thật là thú vị.
Cầm trên tay quyển sách in tranh trong triển lãm được bác Hoàng Định tặng, trong đầu cứ nghĩ mãi đến những câu bác Somsak nói trước khi tạm biệt, rằng một người học kinh tế và kinh doanh như mình mà lại thích nghệ thuật, thích bảo tàng và triển lãm thì có thể làm được nhiều thứ hay ho lắm. Chưa nghĩ đến những thứ to tát xa xôi, nhưng cảm thấy có những người suy nghĩ giống mình thật vui, và những câu nói nhỏ trong những cuộc gặp bất ngờ ấy lại cho mình thêm thật nhiều động lực và hi vọng.