2018.11.02 – Chuyện của bố

Hôm nay bố kể lại chuyện ngày xưa xưa. Bố có lẽ là người tự tin nhất mình từng biết. Những người mới gặp bố lần đầu thì có thể sẽ thấy bình thường, nhưng mình vì được nghe kể và cũng đã là một phần trong cuộc đời rất nhiều sóng gió của bố nên mình có lúc lại thắc mắc không hiểu sao bố lại có thể luôn tự tin như thế. Nhưng có lúc nghĩ lại, không biết có phải nhờ sự tự tin đó (đương nhiên phải kết hợp với cả những năng lực khác) mà bố có thể vượt qua được những sóng gió đó không.

Bố mình ngày xưa thi trượt đại học năm đầu tiên, và đó là một thất bại vô cùng đau đớn đối với một người trẻ tự tin, hung hăng và có phần kiêu ngạo như bố. Sau một hồi cân nhắc, bà và các bác gái quyết định sẽ cho bố thi lại đại học vào năm sau, thế là bố vào trường dự bị dân tộc ở Việt Trì học 1 năm chờ ngày phục thù. Năm sau thi lại bố đỗ Kinh tế Quốc dân, lại thi đỗ điểm cao đủ để được đi Liên Xô học, điều mà ở Sơn La, và lại ở một huyện nghèo như Yên Châu, là chưa bao giờ có. Bà nội hẳn là hãnh diện lắm, còn với bố, đó có lẽ là một giấc mơ bố chưa từng mơ tới, nên hẳn là háo hức lắm. Thời đó nếu đủ điểm để đi nước ngoài thì mọi người sẽ được học ngoại ngữ 1 năm tại Đại học Ngoại ngữ (bây giờ là Đại học Hà Nội), rồi khi vượt qua các kì thi ngoại ngữ thì mới được đi học. Ngày bố xuống Hà Nội và vào đến phòng kí túc xá 12 người, mọi sự háo hức tự tin đều biến mất khi bố thấy mọi người trong phòng đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga. Đến sau này bố mới biết đó cũng là những câu rất đơn giản thôi, như kiểu kia là ai, đó là cái gì, etc. nhưng đối với bố, một người lúc đó chưa biết một chữ ngoại ngữ nào, thì đó là nỗi sợ khi nhận ra rằng khoảng cách giữa mình và những người khác nó xa cỡ nào. Rất nhiều người trong số những người được đi nước ngoài ngày xưa có hoàn cảnh gia đình khá giả, nhà chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Từ cấp 3 có lẽ đã được học tiếng Nga, rồi có lẽ sau khi biết đủ điểm đi nước ngoại họ cũng có điều kiện để tìm gia sư dạy tiếng. Mình hỏi thế hồi xưa bố không được học ngoại ngữ ở trường à, thì bố nửa đùa nửa thật nói là bố học tiếng Kinh :)) (bố mình là người Thái). Rồi mọi người cũng lại quen nhau hết, vì toàn học các trường lớn, trường chuyên, nơi xa xôi hẻo lánh Sơn La thì chỉ có bố, không quen ai cả. Nói chung ngày đầu tiên xuống Hà Nội bố đã có một cú sốc như vậy, ngày bố nhận ra phía trước sẽ là một chặng đường rất dài, rất rất dài.

Cú sốc nặng hơn đến sau đó không lâu khi đi học tại trường và trong một buổi học nào đó, mọi người mới trêu trêu, chỉ vào bố và nói với cô giáo bằng tiếng Nga là anh kia có vợ rồi. Cô giáo ngạc nhiên và hỏi bố bằng tiếng Nga là anh đã kết hôn rồi à? Sinh viên trẻ trâu mà, người nhắc có, người nhắc không, bố lúc đó chữ bẻ đôi chưa biết nên trả lời đại, cả lớp cười ồ lên và sau đó bố mới biết hóa ra bố đã trả lời là có. Hôm đó bố xấu hổ lắm, cảm thấy thất vọng nữa. Có lẽ trong đời ai cũng có những ngày buồn kiểu thế, có một chuyện gì đó xảy ra và mình cảm thấy muốn bỏ cuộc vì mọi thứ khó khăn quá. Bố kể bố đã đến gặp cô giáo phụ trách và nói rằng có lẽ bố không làm được, vì học tiếng khó quá, bố nghĩ bố sẽ không làm được, nên bố xin rút và muốn được đi học bình thường tại Kinh tế Quốc dân. Cô giáo chỉ im lặng nghe. Sau một hồi cô mới phân tích cho bố rằng, bố cứ học ở đây 1 năm đi, rồi mọi thứ sẽ khá lên, và kể cả bố có không vượt qua được kì thi ngoại ngữ cuối kì thì bố cũng đừng nghĩ thời gian học tiếng Nga tại trường ngoại ngữ là vô ích. Nếu thi trượt, dù sao bố cũng vẫn sẽ có vốn liếng ngoại ngữ nhất định, và năm sau bố vẫn có thể nhập học Kinh tế Quốc dân như bình thường, không bị ảnh hưởng gì. Cuộc đời bố có lẽ sẽ rất khác nếu ngày đó cô giáo ấy không thuyết phục được bố hôm sau tiếp tục tới lớp. Đến sau này bố vẫn nói với mình rằng cô giáo ấy là người đã góp phần rất lớn giúp cuộc đời của bố thay đổi.

Thế rồi sau 2 tháng, mọi thứ ổn dần, bố cũng lại nói tiếng Nga không khác gì cô chú đồng trang lứa. Mẹ nói là do trí nhớ của bố tốt nên vốn từ của bố lên rất nhanh, các quy tắc ngữ pháp lằng nhằng bố cũng nhớ kỹ. Nhưng mình nghĩ ngoài trí nhớ ra thì đó còn là rất nhiều những sự nỗ lực, cũng như sự lạc quan, và quan trọng nhất là bố đã không vì mặc cảm tự ti mà nhụt chí, không vì những khó khăn nhất thời mà mất đi sự tự tin. Rồi bố cũng không vì tự ti mà thu mình lại. Bố có nhiều bạn bè. Bố cũng nhận ra ngoài bố cũng có những cô chú khác chưa nói được tiếng Nga, không phải một mình bố là gặp khó khăn. Đến sau này bố vẫn là đại ca ở lớp ở trường, bố vẫn tự tin hung hăng như ngày xưa, chắc vì thế nên mới ‘lừa’ được mẹ. Rồi ai mà có thể ngờ được với xuất phát điểm một cậu bé người Thái Yên Châu lớn lên ở nhà sàn, ngày ngày phải leo núi kiếm củi, rồi nghịch đến mức ngày xưa còn trèo lên cột điện làm cả thị trấn mất điện, sau này lại có thể sang Nga học xong không chỉ đại học mà còn bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Bố hay nói là bố may mắn vì hồi đó trượt đại học nhưng dù nhà nghèo, bà nội vẫn cho bố thi lại năm sau đó. Nhưng mình nghĩ ngoài bà nội, các bác, thì còn phải cảm ơn cô giáo năm đó. Nói chung mình biết ơn cô giáo của bố lắm, vì nếu không phải nhờ cô thì có lẽ giờ đây mình cũng không được ngồi viết nhưng dòng chữ này rồi. Và quan trọng nhất vẫn là vì bố đã không bỏ cuộc những lúc khó khăn nhất.

Hôm nay nghe bố kể vậy mình mới thấy mình thừa hưởng gen xấu hổ khi học dốt của bố, nhưng lại chưa phát huy được những điểm mạnh như sự nỗ lực bền bỉ, kiên trì nhẫn nại và sự tự tin lạc quan. Bây giờ khi nói về những chuyện đã qua thì nghe nó có vẻ đơn giản, chỉ là chuyện học thôi mà. Nhưng thời sinh viên, những thứ này có lẽ là tất cả cuộc sống của họ, khi đã bao nhiêu năm sống trong nghèo khó, việc có đi nước ngoài hay không sẽ là yếu tố quyết định xem bố có thể thay đổi cuộc sống của bà và các bác ở nhà hay không. Mang trên vai nhiều áp lực, lại đã trải qua những thất bại lớn, nhiều người có lẽ sẽ chọn cách an toàn là thôi đi học ở Kinh tế Quốc dân, vì cũng là một trường rất tốt, cũng sẽ đảm bảo sau này bố có công việc tốt để nuôi gia đình. May sao bố đã không lựa chọn cách dễ dàng an toàn.

Từ chuyện của bố mà tự rút ra các bài học cho mình, là không được mặc cảm tự ti mà nhụt chí. Bài học thứ 2 là khó khăn có lớn đến thế nào thì đều có thể vượt qua, và dù kết quả lỡ có không được như ý muốn thì nó vẫn sẽ giúp mình có những bài học quý giá. Và bài học thứ 3 chính là dù cuộc sống có khó khăn thế nào thì cũng không có gì là mãi mãi cả, mọi khó khăn cũng đều sẽ qua và sau 1 năm, 2 năm, 10 năm, nhiều chục năm nhìn lại, sẽ thấy mọi thứ chỉ là những kỉ niệm đáng nhớ, là những cột mốc trưởng thành của tuổi trẻ. Thế nên dù có khó khăn thế nào các bạn cũng đừng nản lòng nhé, và hãy giống bố, đừng lúc nào cũng lựa chọn những cách gì dễ dàng và an toàn, vì những gì dễ dàng an toàn thì thường sẽ không đưa mình đi xa được 🙂

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s