Gần đây mình cảm nhận rất rõ về việc càng ‘có tuổi’ thì con người thường càng ngại tìm hiểu và làm những điều mới mẻ. Nhưng đến lúc vượt qua được ‘rào cản của những lần đầu tiên’ rồi thì sẽ thấy mọi thứ cũng không khó khăn phức tạp như mình đã nghĩ rồi tự nhủ sau này vẫn phải tiếp tục làm những điều mới mẻ để tâm hồn không bị già cỗi và đầu óc không bị trì trệ đi.
Từ khi bạn mình sang Phần Lan học cách đây hơn 2 năm mình đã bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ sẽ sang chơi với bạn. Đến thời điểm chốt kế hoạch đi rồi, một phần do cũng ngại tìm hiểu + ngại việc chuẩn bị giấy tờ nên mình có thử google qua về dịch vụ làm visa Châu Âu. Điểm cộng khi bạn làm visa qua dịch vụ là bạn sẽ không phải mất thời gian đi lại, xếp hàng nộp hồ sơ, nếu có vấn đề gì họ cũng sẽ hỗ trợ bạn giải quyết. Tuy nhiên khi đọc trên một số trang, mình thấy các giấy tờ họ yêu cầu nhiều hơn tương đối so với list mình xem trên website đại sứ quán/ những trang nước ngoài, và giá thành thì cũng khá cao (có trang thấy giá đến tận hơn 300 USD hic) nên sau khi tham khảo ý kiến của một số người quen đã từng đi Châu Âu, mình đã quyết định là sẽ tự làm visa.
Trước hết nói qua một chút về ‘visa Châu Âu’. Đây là cách nói thông thường của người Việt Nam thay thế cho Schengen visa, tuy nhiên Châu Âu cũng chia ra làm nhiều khu vực, và không phải nước nào bạn cũng có thể nhập cảnh vào dù bạn có Schengen visa. Schengen visa cho phép bạn nhập cảnh vào 26 nước thuộc khối Schengen, bao gồm: Đức, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Estonia, Hungary, Iceland, Lettonia, Lituanie, Luxembourg, Malta, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Slovakia, Slovenia. Mọi người có thể đọc thêm cũng như xem danh sách 26 nước thuộc khu vực Schengen tại đây. Một số người hiểu nhầm rằng Schengen visa sẽ cho phép các bạn đi các nước EU –> cái này không chính xác nhé, vì chỉ có 22 nước của Liên minh Châu Âu là nằm trong khối Schengen thôi. Nước Anh trước hay kể cả sau vụ lùm xùm Brexit dù vẫn đang thuộc EU nhưng cũng không nằm trong số các nước được cover dưới Schengen.
Visa Schengen có nhiều loại khác nhau, cùng loại thì cũng có nhiều mức thời gian khác nhau. Trong trường hợp của mình là tourist short stay visa nhé (visa du lịch dưới 90 ngày).
Xin visa Schengen ở đâu?
Về mặt lý thuyết thì visa này có thể được xin thông qua đại sứ quán của bất kì nước nào trong số 26 nước trong khối Schengen, chỉ cần đó là nước đầu tiên khi bạn nhập cảnh vào Schengen area hoặc là nơi bạn sẽ có thời gian lưu trú lâu nhất trong thời gian du lịch của mình (sẽ được kiểm tra dựa trên lịch trình của bạn nộp cho đại sứ quán, phần này mình sẽ nói thêm ở phần yêu cầu về giấy tờ). Tuy nhiên yêu cầu về giấy tờ của mỗi nước là khác nhau và đa số mọi người đều khuyên làm qua đại sứ quán Pháp sẽ nhanh và đơn giản nhất nên mình đã bỏ qua bước tìm hiểu yêu cầu giấy tờ của các nước khác để làm luôn visa qua Pháp.
Giống như những lần xin visa khác, mình lên website của đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để tìm hiểu về thủ tục, thì họ chuyển mình đến trang của TLScontact để làm thủ tục. Ban đầu mình cũng nghi ngại đây là bên trung gian làm visa giống như các bên dịch vụ tour, nhưng vào đọc thêm thì được biết là từ từ ngày 17/03/2016, TLScontact đã được ủy quyền:
- Thông báo và hướng dẫn các quy trình liên quan đến thủ tục xin thị thực đến Pháp
- Nhận hồ sơ xin thị thực
- Thu phí thị thực
- Chuyển trả hộ chiếu cho người xin thị thực vào cuối quy trình.
TLScontact có văn phòng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, việc bạn nộp xin visa tại cơ sở nào sẽ phụ thuộc vào việc hộ khẩu của bạn đang ở đâu.
Hà Nội | Tầng 17, Capital Tower, 109 Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội | Bắc Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Hậu Giang, Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Đắk Nông, Lâm Đồng |
Thành phố Hồ Chí Minh | Vincom Center, Tầng 12A, 72 Lê Thánh Tôn & 45 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh | Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hậu Giang, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Long An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long |
Như trường hợp của bạn mình hộ khẩu ở Sơn La, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh thì khi đi nộp giấy tờ tại TLS HCMC họ yêu cầu phải nộp thêm giấy xác nhận của công an về việc tạm trú tạm vắng.
Xin visa Schengen mất bao lâu và nên bắt đầu xin khi nào?
Hồ sơ làm visa có thể nộp sớm nhất là 3 tháng và muộn nhất là 15 ngày trước ngày đi. Trên trang web của TLS cũng nói là thời gian để process xong hồ sơ thường không mất đến 15 ngày (như trong trường hợp của mình sau 3 ngày đã có visa gửi đến công ty rồi) nhưng vẫn nên làm ít nhất 15 ngày trước ngày đi để đề phòng trường hợp có trục trặc gì trong quá trình nộp giấy tờ.
Làm thế nào để đặt lịch hẹn nộp hồ sơ visa?
Trước hết bạn cần tạo tài khoản trên TLS. Các bạn chú ý vì TLS cấp visa cho nhiều nước và có nhiều văn phòng khác nhau, khi google các bạn chú ý chọn đúng trang TLS của nước mình đang apply cũng như văn phòng các bạn sẽ nộp giấy tờ. Ban đầu mình không để ý xong mình cũng tạo tài khoản trên trang TLS của TP. HCM và đã bắt đầu điền hồ sơ, sau đó mới thấy có trang TLS của Hà Nội, nhưng lúc đó tạo tài khoản nó lại báo lỗi vì đang có một hồ sơ cùng số hộ chiếu như thế ở trên hệ thống (chính là hồ sơ mình đã tạo trên trang của HCMC) nên mình phải lên xóa hồ sơ trên trang của HCMC thì mới có thể làm tiếp được trên trang của Hà Nội. Mình thấy hướng dẫn trên TLS rất rõ ràng và đơn giản, các bạn khai thông tin theo các bước ở trên đó xong sẽ đến được bước đặt lịch hẹn nộp hồ sơ (mình sẽ viết một bài riêng và chụp lại màn hình các phần khai thông tin để các bạn có thể tham khảo thêm). Các bạn chọn và đặt lịch xong thì trên màn hình sẽ hiện ra xác nhận đặt lịch cũng như các thông tin về lệ phí + các giấy tờ bạn sẽ phải nộp. Mọi thứ đều vô cùng rõ ràng và chi tiết 😀 Bạn chuẩn bị các giấy tờ theo đúng hướng dẫn trong tờ giấy đó, đến ngày hẹn bạn lên nộp giấy tờ, nộp tiền, chụp ảnh và lấy dấu vân tay là xong, chờ kết quả và passport trở về nhà thôi 😀
Hồ sơ nộp visa bao gồm những giấy tờ gì?
Đây chắc là phần nhiều bạn quan tâm nhất, và cũng là phần gây nhiều tranh cãi nhất vì mình thấy thông tin trên mạng nhiều vô cùng, mỗi trang viết một kiểu, xem qua thấy rất hoang mang vì sao có nơi bắt nộp cái này nhưng chỗ khác lại không thấy nhắc đến. Trước giờ mình chỉ nộp những gì được yêu cầu trên các trang thông tin chính thống của đại sứ quán các nước, trong trường hợp này TLS được ủy quyền hướng dẫn quy trình xin visa rồi nên mình cũng yên tâm và chỉ chuẩn bị những gì được ghi trong xác nhận lịch hẹn.Lưu ý:
- Các bạn có thể đem thêm các giấy tờ khác ‘cho yên tâm’ đề phòng trường hợp họ hỏi thêm nhưng bộ hồ sơ nộp thì chỉ nên có những giấy tờ họ yêu cầu.
- Các giấy tờ cần được sắp xếp theo đúng thứ tự họ yêu cầu, giấy tờ nào được nhắc đến trước thì sẽ nằm bên trên.
- Mọi giấy tờ photocopy phải để trên khổ giấy A4 + các giấy tờ cần được dịch sang tiếng Anh HOẶC tiếng Pháp
Yêu cầu về giấy tờ sẽ khác tùy thuộc vào loại visa nhé. Bộ hồ sơ nộp visa của mình là tourist short stay visa, bao gồm:
1. Visa application for short stay: Application này chính là phần các bạn đã điền ở bước 1 của TLS, lúc khai xong các bạn chọn Download là được. Lưu ý là sau đó các bạn vẫn phải in ra và ký tên.
2. 2 ảnh hộ chiếu:
- Kích thước 3.5cm * 4.5cm
- Nền trắng
- Chụp chính diện, thấy rõ mặt và cổ, mặt chiếm 70 – 80% ảnh
- Không đeo kính, mũ, phải hở hai tai –> Đoạn hở tai không được nhắc đến trong hướng dẫn của họ nhưng bạn mình do vội nên đã tự chụp ảnh ở nhà xong quên không để tai hở nên đã bị yêu cầu nộp lại ảnh
3. Hộ chiếu: hộ chiếu được cấp trong vòng 10 năm trở lại đây, còn hạn 3 tháng sau ngày ra khỏi khu vực Schengen đối với short stay và còn hạn 15 tháng sau ngày xuất cảnh đối với long stay. Hộ chiếu phải còn ít nhất 2 trang trắng.
4. Bản photo copy của hộ chiếu: trang chính của hộ chiếu và tất cả các trang có dấu
–> Trong trường hợp của mình, mình mới làm lại hộ chiếu và 2 cuốn hộ chiếu mới – cũ của mình được ghim lại với nhau. Do hộ chiếu mới chưa có visa nước nào nên mình vẫn nộp cả hộ chiếu cũ và photo đủ các trang của cả hộ chiếu mới và cũ. Đến hôm nộp thì họ xem hồ sơ xong và đã trả lại cho mình cuốn gốc và chỉ giữ lại bản photo của quyển hộ chiếu cũ.
5. Schengen Questionnaire: Các bạn download tại đây
Bản này bị 1 lỗi mình không hiểu được: ở ngày phần 1, surname họ dịch là tên, name thì lại dịch thành Họ. Do mình điền bằng tiếng Anh và hiểu là ngôn ngữ để tiếp nhận hồ sơ là tiếng Anh nên mình đã điền theo hướng dẫn tiếng Anh, nhắm mắt bỏ qua phần dịch tiếng Việt.
6. Hộ khẩu: cần được dịch công chứng
7. Chứng minh tài chính + nghề nghiệp
- Hợp đồng lao động: dịch và công chứng
- Thỏa thuận thu nhập
- Xác nhận của công ty: Employee certification –> Bản certification ở công ty mình bao gồm luôn cả xác nhận nghỉ phép nên rất tiện, mình không xin thêm 1 bản leave approval riêng nữa
- Sao kê các giao dịch ngân hàng trong vòng 3 tháng gần đây: Hôm đó mình không nghĩ là cái này cần thiết nên đã không lấy sao kê ngân hàng, bên TLS vẫn nhận hồ sơ của mình và process như bình thường, nhưng đưa cho mình 1 tờ giấy hẹn để mình nộp lại sao kê trước 2h30 chiều cùng ngày hôm đó
- Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng
Câu hỏi thường gặp: chứng minh tài chính bao nhiêu là đủ? Mình xem trên web của TLS và ĐSQ thì đều không nêu ra một con số cụ thể, cũng như không có yêu cầu rõ ràng như trên web của ĐSQ Hàn Quốc là số tiền phải bao nhiều và sổ tiết kiệm phải mở trước thời gian nộp hồ sơ bao lâu, etc. Các bạn của mình có share kinh nghiệm là nhân số ngày bạn dự định đi với số tiền tối thiểu trung bình để trang trải 1 ngày ở Châu Âu (rơi vào khoảng 70 Euro) là ra số tiền bạn cần phải chứng minh tài chính, có người thì lại nói là nên chuẩn bị 100-200 triệu (chưa nhắc đến thời gian lưu trú)… Mình thấy phương án nhân số tiền lên của bạn mình tương đối hợp lý, nếu bạn nào có kinh nghiệm về cách ước lượng số tiền chứng mình tài chính thì chia sẻ với mình nhé.
8. Lịch trình và xác nhận booking khách sạn: Tại thời điểm làm visa mình với bạn vẫn chưa thống nhất lịch trình đi nên mình tự viết ra một lịch trình phù hợp với việc nộp qua đại sứ quán Pháp (Pháp là nơi lưu trú lâu nhất) và book phòng theo lịch trình đó. Nhiều trang web sẽ cho các bạn phương án khách sạn mà không phải thanh toán luôn, mình book tạm để lấy xác nhận và sau đó hủy sau. Các bạn lưu ý là có khách sạn sẽ charge full phí nếu hủy gần ngày quá (3 ngày, 7 ngày, 2 tuần – tùy thuộc vào khách sạn), nên tốt nhất là các bạn đặt xong in xác nhận xong thì hủy luôn.
9. Bảo hiểm du lịch: Mình chưa đi nước nào cần mua bảo hiểm du lịch cả nên đến đoạn này mình thấy khá hoang mang. Do quên luôn mục này nên đến sát hôm hẹn nộp visa mình mới tìm và thấy có những chỗ sẽ cho bạn mua bảo hiểm online rất tiện (mình mua của Liberty Insurance), bạn chọn loại, chọn ngày bạn sẽ đến và rời khỏi khu vực Schengen, thanh toán online và sẽ được gửi chứng nhận bảo hiểm luôn. Các bạn lưu ý là trước khi mua bảo hiểm thì các bạn nên xác định rõ ngày đên và ngày rời Schengen vì bảo hiểm tính theo ngày, các bạn ở càng lâu thì càng đắt.
10. Vé máy bay: Trên tờ xác nhận của TLS viết rõ luôn là chỉ cần “Reservation of return flight or return ticket. Please do not buy the ticket before obtaining the visa.” –> Mình cũng không thực sự hiểu lắm cái này để làm gì nữa :)) Nhưng nói chung các bạn hãy đặt vé khứ hồi và chọn hình thức thanh toán sau, in xác nhận ra là ok. Mình đặt trên Vietnam Airlines vì có chuyến bay thẳng đến Pháp luôn.
Trên đây là các giấy tờ mình đã nộp, ngoài cái sao kê thì mình không bị yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ gì nữa. Hôm tới nộp hồ sơ thì các bạn nên đem càng ít đồ theo càng tốt. Đến xong lúc vào thì họ cũng không hỏi gì nhiều đâu, chủ yếu là kiểm tra lại xem hồ sơ của mình đã có những gì, thiếu những gì, có điểm gì đặc biệt họ sẽ hỏi thêm, ví dụ như chị ý hỏi mình là sinh ở bên Nga à, đã đi Châu Âu lần nào chưa, etc.
Và đặc biệt lưu ý là hôm đấy hãy XINH nhé vì sau khi nộp hồ sơ xong các bạn sẽ phải chụp ảnh và lấy dấu vân tay, và ảnh trên visa của các bạn sẽ chính là cái ảnh các bạn chụp lúc đó chứ không phải ảnh 3.5cm*4.5cm đã được photoshop nát ra trước khi in 😦 Mình siêu hối hận vì không biết cái này, trước hôm đó còn thức khuya, tóc hơi bết và mắt lại còn thâm quầng, chụp ảnh cũng không để ý gì để cười xinh một chút ahuhu
Lệ phí visa cũng sẽ phụ thuộc vào loại visa, như trong trường hợp của mình là 1,680,500 VNĐ phí visa + 697,000 VNĐ phí dịch vụ, mình chọn thêm dịch vụ ship passport đến đia chỉ công ty mình nữa nên mất thêm 100,000 VNĐ (giá fix, không phải tính ship theo độ xa gần đâu :D). Họ vẫn trả tiền thừa nhưng mình nghĩ tốt nhất vẫn nên chuẩn bị đúng số tiền họ đã thông báo trong xác nhận lịch hẹn.
Trong trường hợp các bạn bị thiếu giấy tờ, họ sẽ yêu cầu các bạn bổ sung trong ngày trước 2h30 chiều luôn thì sẽ không mất thêm phí. Còn nếu bạn không kịp bổ sung trong ngày thì sẽ được gọi lên để lấy lại hồ sơ và nộp lại sau, tuy nhiên như vậy bạn sẽ mất phần phí dịch vụ (697,000 VNĐ).
Bài này dài quá nè, muốn viết ngắn nhưng lại sợ không đủ chi tiết. Nếu có gì còn thiếu thì mình sẽ bổ sung nhé, các bạn feel free để comment ở phía dưới và mình sẽ cố gắng trả lời sớm nhất có thể. Chúc các bạn apply visa vui vẻ 😀
bài viết rất hay.Cảm ơn em nha
LikeLike
cho mình hỏi xíu là bảo hiểm du lịch bạn chỉ nộp giấy chứng nhận qua email thôi, không phải nộp bản cứng có đóng dấu mà bảo hiểm sẽ gửi sau đó vài ngày à? Cảm ơn Bạn
LikeLike
Bảo hiểm du lịch mình mua họ sẽ gửi bản mềm đóng dấu đỏ qua email luôn ngay khi mình thanh toán xong bạn ạ chứ không có gửi bản cứng. Sau đó mình in màu ra thôi bạn ạ, dùng bình thường, không vấn đề gì cả.
LikeLike