2018.11.16

Mình với em trai sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, trước khi cả nhà chuyển về Việt Nam năm mình 11 tuổi (học hết lớp 5) thì mình chỉ về Việt Nam chơi 1 lần hồi còn chưa  lên lớp 1.  Bởi thế đối với mình, tuổi thơ không có nhiều hình ảnh của ông bà, cô dì chú bác và các anh chị em họ. Đối với nhiều đứa trẻ ở Việt Nam, sống gần họ hàng là chuyện rất bình thường, có thể gặp nhau hàng tuần, hàng tháng. Cuối tuần nghỉ học thì về ông bà chơi. Các mối quan hệ họ hàng khăng khít. Hoặc như chồng mình, thậm chí còn sống với ông bà nội từ khi còn bé tí, ông bà nuôi anh học đến giữa những năm cấp 2. Nghe anh kể chuyện hồi bé ông hay làm đồ chơi cho anh thế nào, rồi anh được ông cho ngồi đằng sau xe đạp chở đi học ra sao, anh kể cả về nhưng lần anh nghịch dại bị bà nội nạt như nào, mình thấy ghen tị lắm. Vì tuổi thơ mình không có những điều như vậy. Những sự gắn bó, những kỉ niệm như vậy mình hoàn toàn không có. Mình nghĩ đây là một trong những điều thiệt thòi nhất của những đứa trẻ lớn lên xa quê hương.

Mình có những đứa bạn mà nhà chúng nó đông anh chị em họ tầm tuổi nhau dã man, rồi nhà còn gần nhau nữa, từ bé tới lớn toàn chơi với nhau, nên nếu hỏi chúng nó bạn thân chúng nó là ai thì chúng nó sẽ kể rằng đó là người anh/người chị/người em họ abcxyz nào đó. Mình cũng có những anh chị em họ tầm tuổi mình, nhưng do không cùng lớn lên, môi trường khác nhau hình thành những tính cách, cách tư duy khác nhau quá, nên mình cũng không thân với anh chị em họ của mình. Đối với mình, người bạn thân cùng trải qua tuổi thơ và chứng kiến sự trưởng thành của mình chính là em trai. Đối với mình, gia đình sẽ dùng để nói về bố mẹ và em trai. Có những người sẽ nói về gia đình với ông bà, cô dì chú bác nữa, nhưng đối với mình có lẽ mọi thứ hơi khác một chút. Và mình thấy cũng rất khó để một đứa trẻ có thể học được cách yêu thương những người dù mang chung dòng máu nhưng lại dành quá ít thời gian cạnh nhau, khó để yêu thương họ nhiều như những người đã trải qua những khoảng thời gian quan trọng trong cuộc đời cùng nhau. Tình cảm và sự gắn bó không phải nói mà có thể có được luôn. Mình với em trai luôn cảm thấy hai chị em vô cùng hiểu nhau, và sự thực là như thế, vì hai chị em cùng nhau trải qua những sự thay đổi trong cuộc đời mà sẽ không ai có thể hiểu được, chỉ có hai chị em có thể chia sẻ với nhau, chỉ có hai chị em có thể hiểu nhau. Bởi vậy theo cách nào đó, hai chị em cũng khép lại cái vòng quan hệ chị em này, cũng cảm thấy không cần có thêm ai cả.

Trong số các người anh chị em họ, mình có đứa em bên nội bằng tuổi em trai mình. Để kể những câu chuyện về đứa em này thì một bài viết là không đủ, nhưng có thể tóm gọn lại là Tôm rất khác mình với em trai, và như hôm nay mình có đùa trên story instagram của mình thì nếu không phải Tôm là em họ mình thì ngày xưa đi học mình sẽ không dám nhìn vào mặt nó mỗi khi đạp xe qua, vì sợ bị Tôm với hội bạn đầu gấu của nó tẩn cho mình một trận vì tội nhìn đểu :)) Nhưng rồi ai cũng khác, lớn lên, trở nên chín chắn hơn. Nếu ngày xưa Tôm lười học đầu gấu hay bỏ học đi chơi thì trong những năm gần đây Tôm là tấm gương cho các em nhỏ trong nhà noi theo về sự đảm đang, chịu khó rồi cả về sự quan tâm săn sóc bà nội và em trai. Tôm là đứa em duy nhất sống gần mình, vì sau này cô chú mình mua nhà ở trên thành phố, có lẽ vì thế mà cũng có nhiều cơ hội để hai chị em gặp nhau hơn mặc dù ngày bé nó hay bị so sánh với mình với Long nên chắc là ghét lắm :)) Ai ngờ sau này lớn lên mấy chị em lại cũng hay nói chuyện với nhau. Không phải với mỗi mình, mà Tôm với Long có khi còn nói chuyện với nhau nhiều hơn, dù ngày trước hai đứa cũng hay chạnh choẹ nhau lắm. Những năm đi học đại học và sau này khi đi làm mình mới thực sự hiểu được niềm vui của việc có anh chị em họ. Những ngày tất niên cùng Tôm rửa bát, dọn bếp là những ngày mình sẽ rất nhớ vì từ Tết năm nay trở đi, sẽ không còn những ngày như vậy nữa. Bởi vì năm nay mình đã lấy chồng. Và ngày mai Tôm cũng đi lấy chồng.

Ngày em nó kể có thể năm nay sẽ lấy chồng luôn (hai đứa nó yêu nhau từ thời còn học cấp 2 xong để tóc đầu sư tử ấy, từ hồi Tôm nó còn là đứa trái tính thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi khiến cả nhà đi tìm khắp nơi), hai chị em đã nói với nhau rằng năm nay Tết ở nhà thiếu hai chị em là sẽ buồn lắm đây. Ngày đó em nó nói rằng nghĩ tới việc đi lấy chồng sẽ không được ăn Tết cùng bố mẹ là chỉ muốn khóc, rồi chú mình cũng cứ hay nhắn tin nói về chuyện nó sẽ trở thành con gái nhà người ta làm nó cứ chảy nước mắt, lúc đó mình mới thấy đứa em đầu gấu hổ báo của mình thực ra cũng có nhiều lúc mong manh dễ vỡ lắm. Những ngày em nó tất bật chuẩn bị đám cưới rồi thỉnh thoảng lại nhắn tin hỏi ngày xưa chị chụp ảnh cưới ở đâu, thuê áo dài rồi thuê trang trí ra sao, mình lại cảm thấy ồ đây đúng kiểu anh chị em sống với nhau này. Ngày hôm nay ăn hỏi rồi ăn cơm xong hai chị em uống với nhau chén rượu, nó ôm mình mà mình nghĩ thật may mắn vì ngày xưa mình không bao giờ nghĩ mình sẽ có một mối quan hệ anh chị em họ như thế này.  Nghĩ vậy mà trong lòng rưng rưng.

Em trai từng nói với mình rằng sau này nhất định sẽ phải làm sao cho con mình và con em trai mình thân nhau. Em mình vẫn nói sau này sẽ đưa cháu (tức con mình) đi Disneyland Hong Kong chơi, vì Disneyland là mong ước tuổi thơ chưa bao giờ thành hiện thực của hai chị em :’)  Em trai mình chưa bao giờ nói rằng có nhu cầu được thân thiết với những người họ hàng khác nhiều hơn mức bây giờ, nhưng qua những lời nói và mong ước cho đời con cháu, mình hiểu rằng em mình, cũng như bất cứ ai cũng có nhu cầu về những mối quan hệ gia đình họ hàng kiểu đó. Như hai chị em mình có nhau là rất tốt rồi. Nhưng giống như những ngày tất niên rửa bát cùng Tôm, hay ngày hôm nay khi Tôm nó ôm mình, mình vẫn nghĩ có Tôm cũng thật tốt. Mình chưa bao giờ trách bố mẹ vì ngày xưa không cho mình có một tuổi thơ được chơi cùng anh chị rồi được bà bế từ nhỏ, vì mình biết bố mẹ đã cho mình những gì tốt nhất rồi, những điều mà nhiều người chỉ có thể mơ ước. Nhưng vì bây giờ cuộc sống dễ dàng hơn ngày xưa, mình cũng sẽ cố gắng cho con mình những gì tốt nhất có thể, để con sau này cũng có những niềm vui khi có những người anh chị em họ không chỉ là những người chung huyết thống một năm gặp nhau vài lần vào các dịp cưới xin hay lễ Tết, mà còn là những người bạn có thể cùng nhau lớn lên và trưởng thành, 

 

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s