Woaaa trước giờ có rất nhiều người từng hỏi mình là mình làm nhân sự có nhàn hay không, hoặc có người thì không hỏi nhưng nhận định luôn là làm nghề này nhàn lắm, công việc văn phòng back office thôi mà, đến văn phòng làm việc rồi hết giờ thì đi về thôi, nói chung là rất phù hợp với những người thích công việc văn phòng ổn định. Nhiều bạn khi làm những công việc khác thấy không phù hợp và muốn thay đổi ngành nghề, tìm công việc ổn định, thì một trong những suy nghĩ đầu tiên sẽ là đi tìm một vị trí nhân sự trong một công ty nào đó. Vậy thực hư ra sao, liệu công việc nhân sự có phải là việc nhàn lương cao (hoặc lương bình thường) như trong truyền thuyết được lưu truyền không, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ quan điểm cá nhân của mình dựa trên kinh nghiệm làm vài năm trong ngành này.
Trước hết để xem nghề nhân sự có nhàn hay không thì cần hiểu trước là nghề này làm những công việc gì. Mình thấy nhiều người hay đưa ra những nhận định rất chung chung cho một khái niệm quá là rộng, ví dụ như ‘Làm nhân sự rất bận/Làm nhân sự rất nhàn” hoặc sinh viên khi được hỏi về định hướng trong tương lai thường sẽ chỉ trả lời chung chung là “Em muốn làm về Nhân sự”, trong khi trên thực tế công việc nhân sự chia ra rất nhiều mảng khác nhau với những đặc thù công việc hoàn toàn khác biệt (vấn nạn này mình thấy phổ biến cả khi mọi người nói về nghề marketing!). Làm tuyển dụng (Recruitment) sẽ khác với làm Lương thưởng – Compensation & Benefits (C&B), khác với Đào tạo (Training), thậm chí ở nhiều công ty phồng nhân sự có thể chia ra nhiều nhóm nhỏ hơn nữa, ví dụ sẽ có nhóm Truyền thông tuyển dụng riêng biệt. Vì mỗi nhóm đều làm những công việc rất khác nhau, đòi hỏi những kĩ năng khác nhau, có kì/mùa bận khác nhau, nên có vẻ như nếu gộp chung vào để đánh giá thì chưa được chính xác lắm.
Vậy làm những công việc nhân sự nêu trên thì nhàn hay không nhàn? Mỗi người có lẽ cũng có định nghĩa khác nhau về chữ ‘Nhàn’. Theo mọi người thế nào gọi là nhàn? Là không phải tăng ca, không đi làm cuối tuần? Không phải ra ngoài đường nhiều trời nắng nóng, chỉ ngồi văn phòng điều hòa, không đi công tắc xa? Chỉ làm việc bàn giấy, không làm những công việc chân tay nặng nhọc? Công việc đơn giản lặp đi lặp lại, không cần vắt óc suy nghĩ nhiều?… Không biết khi hỏi về vấn đề một công viêc có nhàn hay không, mọi người thường hay ám chỉ đến sự ‘nhàn’ nào? Dù theo cách hiểu nào thì bản thân mình thấy công việc nhân sự dù ở mảng nào thì cũng không nhàn. Bản thân mình hồi trước làm trong nhóm Tuyển dụng, tuyển dụng cả các vị trí dành cho sinh viên mới ra trường và cả những người đã có kinh nghiệm. Nhiều người khi biết mình làm tuyển dụng đều tưởng tượng chắc mình chỉ đến văn phòng, mở máy tính ta và ngồi lọc đơn của ứng viên, rồi mời họ đến phỏng vấn, phỏng vấn xong là xong. Đi làm từ thứ 2 tới thứ 6, từ 8h sáng đến 5h chiều, ngồi văn phòng điều hòa mát lạnh. Có vẻ như đáp ứng về tất cả những cách hiểu chữ ‘nhàn’ ở phía trên. Nhưng trên thực tế, trong mấy năm mình đi làm, chưa có giai đoạn nào công việc của mình như trên cả :)) Vì gọi là làm tuyển dụng nhưng công việc không chỉ ngồi không để chờ đơn đến, mà bản thân mình phải đi tìm kiếm ứng viên ờ rất nhiều nguồn, mà những người làm nhân sự đều hiểu cái sự trớ trêu khi mà ứng viên trên thị trường thì nhiều vô kể nhưng để tìm được những người có kĩ năng phù hợp với vị trí mình tuyển dụng thì như mò kim đáy bể, tìm mỏi mắt mà liên hệ cũng mỏi .. nhiều thứ. Đối với tuyển dụng sinh viên thì còn phải làm nhiều bài hơn, như công việc hồi trước mình làm là phải làm cả truyền thông tuyển dụng đối với sinh viên, ví dụ sẽ phải tham dự các sự kiện của sinh viên nè, mà sự kiện sinh viên thì hầu hết được tổ chức vào buổi tối và cuối tuần. Vẫn nhớ những ngày đi giầy cao gót mặc váy lóc cóc cùng chị Trang còi xách đống standee sổ sách flyer từ văn phòng ở Láng Hạ qua đầu đường Thái Thịnh bắt taxi giữa trời nóng oi ả để đi dự các ngày hội tuyển dụng vào các sáng chủ nhật. Hay chuẩn bị logistics, làm các sự kiện cho sinh viên, công việc nhân sự nghe sang chảnh là vậy nhưng ai bắt đầu làm và thậm chí đến sau này vẫn sẽ phải làm những công việc mang tính chất rất admin như photo CV, chuẩn bị thẻ tên cho các ứng viên tham gia phỏng vấn nhóm, hay hủy giấy :)) Làm công việc tuyển dụng mấy năm mình thấy có những việc khi đã làm một vài lần thì sau này sẽ làm rất nhanh vì đã có mẫu sẵn rồi, nhưng đa số công việc sẽ đòi hỏi không ngừng học hỏi, tìm hiểu kiến thức mới, nghiên cứu những cách thức làm mới, vì vậy mình thấy đây cũng là một công việc đòi hỏi lao động trí óc hao mòn khá nhiều chất xám. Thực ra cũng có những công ty có những vị trí nhân sự mà công việc chủ yếu của các bạn ấy là lọc hồ sơ ứng viên và tiến hành phỏng vấn, nhưng những vị trí đó cũng không phải là nhàn hạ, các bạn ấy có KPI về số ứng viên phải tuyển dụng được mỗi tuần, áp lực như công việc sale ấy.
Vậy còn đối với các mảng khác như lương thưởng hay đào tạo thì sao? Nếu đối với nhóm tuyển dụng thì chu kì mùa bận thường được tính theo năm tài chính (vì thường sẽ bận vào mùa đánh giá nhân viên giữa và cuối năm tài chính, các mùa tuyển dụng sinh viên, etc.) thì nhóm lương thưởng thường mỗi tháng đều sẽ có khoảng thời gian rất bận là giai đoạn tính lương và trả lương cho nhân viên. Mấy chị bạn làm C&B của mình đều nói rằng nếu có rủ đi du lịch thì cũng đừng bao giờ rủ các chị ý đi từ ngày bao nhiêu đến ngày bao nhiêu hàng tháng :)) Nhiều người nghĩ làm C&B đơn giản ý mà, quản lý mấy cái hợp đồng lao động và hồ sơ nhân viên thôi mà, ngồi 1 chỗ là chính, rồi hợp đồng lao động cũng có mẫu sẵn rồi chỉ thay thông tin nhân viên mới là được, làm cho một nhóm 60 người vào công ty cùng một ngày thì chỉ mail merge là xong, vậy chắc những người đó cũng chưa bao giờ thực sự hiểu rằng làm việc với con người nó phức tạp hơn làm việc với các con số đến mức nào, chắc mọi người cũng không biết đến sự phức tạp của việc tính thang lương cho năm tài chính sau, cũng chưa hiểu một thông tin sai trong hợp đồng lao động có thể dẫn đến những tranh chấp về sau khi nhân viên thôi việc.
Công việc đào tạo cũng vậy, nhiều bạn nói với mình các bạn muốn làm về đào tạo, các bạn có thể đứng lớp dạy các khóa kĩ năng mềm. Khảo sát nhu cầu đào tạo, xây dựng khung chương trình học cho từng cấp bậc nhân viên, cho từng bộ phận, tìm được những người dạy phù hợp, etc., công việc đào tạo không chỉ đơn giản là hỗ trợ set up loa đài màn chiếu chuẩn bị tài liệu học, mở slide ra dạy hết slide là xong. Rồi làm thế nào để nhân viên tham dự đủ training, đo lượng mức độ hiệu quả của công tác đào tạo, có những chương trình đào tạo chuyên biệt cho những người là high performers trong công ty … tất cả đều là những bài toán đau đầu của những người làm công tác đào tạo.
Thực ra ở các công ty với đặc thù và quy mô khác nhau thì công việc của những người làm nhân sự cũng sẽ rất khác nhau, ví dụ nếu công ty quy mô nhỏ, ít nhân viên thì rõ ràng phần công việc của người làm tuyển dụng sẽ có nhiều điểm khác biệt so với một người làm tuyển dụng ở công ty nhiều nhân viên với tỉ lệ nhân viên ra – vào công ty nhiều và liên tục như ngân hàng hay kiểm toán. Đi làm ‘nhàn’ hay ‘vất vả’ cũng phụ thuộc vào năng lực, mong muốn và thái độ của bạn nữa.
- Cùng một lượng công việc nhưng người làm việc chậm chạp không hiệu quả sẽ phải ở lại làm muộn hơn, trong khi người làm việc hiệu quả có thể về đúng giờ. Nhiều công ty ở Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung vẫn có một cách nhìn sai lệch đối với việc đánh giá ‘sự chăm chỉ’ của một nhân viên khi đề cao sự chăm chỉ hơn sự hiệu quả, mà sự chăm chỉ không đo bằng số lượng các dự án làm xong với kết quả cao mà lại dựa vào số giờ làm việc, liệu người đó có ở lại làm muộn, có đem việc về nhà, hay có đến công ty làm vào cuối tuần hay không. Hàm lượng chất xám, tâm huyết bỏ ra, hiệu quả công việc/giờ đồng hồ mới là thứ để đánh giá năng lực của một nhân viên.
- Một người tâm huyết với công việc sẽ không ngừng nỗ lực để đưa ra những ý tưởng mới và cải tiến công việc. Một công việc tưởng chừng như mang tính lặp đi lặp lại, không có gì để làm, để sáng tạo, một công việc được coi là nhàn hạ về trí óc nhưng khi vào tay một người tâm huyết, người đó có thể sẽ dành ra hàng tiếng để nghiên cứu và tìm ra những cách thức mới và hiệu quả để thực hiện những công việc đó, phát triển những công việc đó lên những tầm cao hơn. Đây có thể coi là những người không thích sự nhàn của hiện tại mà nghĩ đến sự nhàn và hiệu quả trong lâu dài, nhàn trong công việc này để có thể dành thời gian tâm trí là làm những công việc khác. Ví dụ như tổ chức thi tuyển nhân viên trên máy tính thay vì thi viết trên giấy để tiết kiệm nhân lực và thời gian chấm thi, hoặc đơn giản hóa quy trình đăng ký khám sức khỏe, etc. Nhờ những người không thích nhàn hạ trong hiện tại như vậy thì một tổ chức mới đi lên được.
- Cá nhân mình vẫn nghĩ không có việc gì nhàn, chỉ là mình có đủ yêu thích công việc đó để chấp nhận những cái ‘không nhàn’ đó hay không. Ví dụ như mình thấy các anh lái xe grab rất vất vả vì cả ngày ngồi trên xe, lái xe khắp nơi, đường thì tắc, khách thì đòi hỏi, giờ đông khách lại thường là giờ ăn cơm nên chẳng mấy khi được ăn cơm đúng bữa. Nhưng lúc nói chuyện với các anh grab thì các anh thường nói là anh làm việc này kiếm rất được và thấy lái xe rất nhàn vì anh thích việc lái xe, thích việc đi trên đường, lúc nào anh muốn thì anh nghỉ, không nhận khách nữa. Xong còn câu là các em làm việc văn phòng khổ ghê nhỉ, sáng nào cũng phải dậy sớm đi làm, lại còn phải ngồi máy tính nhiều. Nhàn hay không nhàn có vẻ cũng như do cách nhìn nhận, quan điểm của mỗi người nữa.
Túm lại, nói tới nói lui vậy, mình chỉ muốn nói rằng làm nhân sự dù không phải đi công tác triền miên hay thức đêm thức hôm làm báo cáo như kiểm toán nhưng cũng tuyệt đối không phải là một công việc nhàn nhã nếu các bạn đã có ý định gắn bó lâu dài và phát triển nghề này một cách nghiêm túc. Nhưng nếu các bạn đủ yêu thích công việc này, hay bất kì công việc nào khác, thì những cái sự vất vả hay những sự trăn trở trong công việc hàng ngày sẽ không phải là trở ngại, mà ngược lại là động lực để mỗi sáng các bạn thức dậy đi làm. Đối với mình, những ngày làm việc hạnh phúc nhất không phải những ngày rảnh rỗi không có việc gì để làm, mà là những ngày làm việc cật lực để đến cuối ngày nhìn lại thấy mình vượt qua được giới hạn của bản thân.
Với những bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội trong ngành nhân sự, hay muốn đổi từ ngành khác sang ngành nhân sự để tìm kiếm sự ổn định, mình chỉ muốn chia sẻ rằng trên đời này không có gì tự nhiên mà có cả, không có điều gì đáng giá mà lại đến một cách dễ dàng. Trên đời không có công việc nào vừa hay ho nhưng lại vừa nhẹ nhàng, rảnh rỗi, ổn định rồi lương lại cao cả. Ngoài kia có lẽ cũng có những công việc hành chính nhân sự không quá bận rộn, nặng nhọc, vất vả, nhưng thường thì việc đó sẽ không thể thú vị rồi lương lại cao được, cũng sẽ không đem lại được cho các bạn cảm giác mãn nguyện, thành công, cũng sẽ không đưa được các bạn đến với đỉnh cao của nghề nghiệp. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời có lẽ mỗi người sẽ có những giá trị khác nhau cho bản thân, sau này khi có áp lực tài chính có thể các bạn sẽ không còn nhiều tham vọng để phát triển bản thân, sẽ hài lòng với một sự ổn định khi làm những công việc lặp đi lặp lại, nhưng khi còn trẻ, xin các bạn đừng tìm kiếm sự nhàn hạ và sự dễ dàng, vì nhàn hạ và dễ dàng lúc bây giờ thường sẽ đồng nghĩa với việc khó khăn và vất vả trong tương lai.
like manh 😉
LikeLike
chào bạn, làm sao để mình contact được bạn? Thanks nghen
LikeLike
Chào bạn, mình xin lỗi vì trả lời bạn muộn thế, mình đã rất lâu rồi không vào blog nên không biết là có comment của bạn. Nếu bạn vẫn muốn contact mình thì có thể liên hệ với mình qua email hoanghagiang189@gmail.com nhé. Cảm ơn bạn.
LikeLike